Tài chính

Từ 1/7, giảm 30% phí sử dụng đường bộ với xe vận tải hành khách

25/06/2021, 14:38

Từ 1/7, phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30% mức thu.

img

Từ 1/7, phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30% mức thu. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính ngày 25/6 cho biết đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng và ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong đó, 29 khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021; Và bổ sung giảm thêm mức thu 1 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một số khoản phí được giảm nhiều như: Giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; Giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; Giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; Giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không; ....

Riêng trường hợp xe ô tô chuyển từ không kinh doanh vận tải sang kinh doanh vận tải trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này thì thời điểm áp dụng mức phí theo quy định tại Thông tư này tính từ ngày xe ô tô được ghi nhận trong Chương trình quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam là xe ô tô kinh doanh vận tải.

Trường hợp xe ô tô đã được nộp phí theo mức phí quy định tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC cho khoảng thời gian có hiệu lực của Thông tư này, chủ xe sẽ được bù trừ số tiền phí chênh lệch giữa mức phí theo quy định tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC với mức phí theo quy định tại Thông tư này vào số phí phải nộp của chu kỳ tiếp theo. Đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm tính bù trừ tiền phí cho chủ xe vào chu kỳ tiếp theo.

Thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với số giảm thu từ phí, lệ phí 6 tháng ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Từ ngày 1/1/ 2022 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí nói trên thực hiện theo quy định tại các Thông tư gốc và các Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.