Vì thế, người ta vẫn tự hào về “giải đề cử”. Là đề cử thôi, đâu có giải, nhưng mà nó như giải. Được đề cử đã là vinh dự rồi.
Trận lượt cuối Việt Nam gặp Yemen hôm 16/1, nếu Việt Nam thắng cách biệt 3 bàn, cụ thể là 3-0, hẳn đã vào vòng loại. Và Việt Nam thắng đến 2-0 nhưng đã không thể thêm một quả dù có rất nhiều cơ hội và đành phó thác số phận mình cho… đội khác.
Với tôi, việc đội tuyển Việt Nam có vào vòng trong hay không không còn quan trọng, bởi vì tôi đã thấy trong mỗi đường bóng, trong nét mặt, trong cách chơi… chúng ta đã đạt đến đẳng cấp châu lục. Điều này có thể ví như người nhà quê ra phố mà không sợ bị… quê.
Biết người biết ta, đó là một câu chuyện thuộc về tầng văn hóa. Không nên cứ vào mỗi giải lại cứ nhắm Thái Lan mà so đo, đó là tự ti và an ủi rằng, Trung Quốc có cả mấy tỷ người mà đội bóng cũng chẳng ra gì huống hồ Việt Nam.
Lịch sử bóng đá cho thấy, rất nhiều nước số dân chỉ dưới 5 triệu người nhưng đã nhiều lần vào chung kết World Cup và nước có mấy tỷ người như Trung Quốc cũng chỉ lọt vào một lần mà thôi.
Đừng nên hô “Việt Nam vô địch” khi ta rõ ràng đang thua, hô thế là tự tôn vô lối. Nhưng cũng không nên hô “Việt Nam cố lên!” vì đó là tự ti.
Quay lại với đời sống thường nhật, đừng mang chuyện này so sánh với chuyện kia không cùng tiêu chí. Tôi rất không thích nhiều người cứ mở miệng là nước ngoài họ thế này, nước ngoài họ thế kia… Mỗi dân tộc đều có lịch sử và bản sắc văn hóa riêng.
Nhưng tôi cũng không thích những ý kiến cho rằng Việt Nam không thể làm gì được. Không làm gì được thì tại sao nhiều người Việt đã làm rạng danh đất nước?
Câu chuyện bóng đá cho thấy rõ nhất khát vọng và thực lực của người Việt cũng như tất cả những nhược điểm của nó. Nhược điểm lớn nhất là “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi thất bại thì nào có ai?”.
Mới giải trước thì ca Bùi Tiến Dũng lên mây, thời gian sau lại quên mất, lại đưa Đặng Văn Lâm lên mây… Đến khi người ta sút vào một quả lại mổ xẻ Đặng Văn Lâm như thể một tội đồ. Người ta đá quả bóng quá hay thì khen người ta chứ sao lại quay sang chê thủ môn đội mình?
Tư duy phản biện của người Việt là rất hay và đáng khuyến khích, nhưng phản biện khác với nói ngược. Khác nhau hoàn toàn.
Trên mạng xã hội bây giờ cũng thế, hình như người ta quan niệm rằng, chê mới là giỏi. Sai hoàn toàn. Tìm ra cái tốt để khen mới là giỏi.
Việt Nam là đất nước gần trăm triệu dân, không nhỏ hơn về cả diện tích lẫn dân số so với các nước khác. Vậy thì sao lại nghĩ ta là nước nhỏ, là dưới cơ? Đó là tự ti.
Nhưng mà bất kỳ cuộc đấu nào, kể cả cuộc đấu về kinh tế, đã đấu thì có thắng có thua. Thắng là thắng, thua là thua, đừng bao giờ nói “thua mà vẫn ngẩng cao đầu”, “thua trong thế thắng”, khiêm tốn hơn là “thua nhưng chấp nhận được”… đó là tư duy của người yếm thế, là tự ti.
Cổ nhân có câu “Biết người biết ta”, sau này, binh lược phát triển thành câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Biết mình, đó là điều quan trọng nhất.
Biết mình, tức là đừng tự ti mà cũng đừng tự tôn.
Biết là thế đó!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận