Tăng trách nhiệm của cơ sở đào tạo
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2019 quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất phân cấp thẩm quyền tổ chức hội đồng thi ra quyết định công nhận kết quả thi thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất, hạng nhì và thẩm quyền giám sát các hội đồng kiểm tra chứng chỉ chuyên môn đặc biệt từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về các Sở GTVT.
Đồng thời, phân cấp thẩm quyền xử lý xử lý vi phạm đối với thành viên Ban coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra từ Cục Đường thủy nội địa VN về Sở GTVT.
Theo quy định hiện hành, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức hội đồng thi, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM) thuyền viên hạng nhất, hạng nhì và giám sát các Hội đồng kiểm tra chứng chỉ chuyên môn trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, Cục này cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ trên cần nhiều thời gian và nhiều khó khăn trong việc di chuyển do các cơ sở đào tạo có vị trí ở các miền Bắc và miền Nam.
Bên cạnh đó, do khối lượng công việc lớn, nhân sự mỏng nên công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo chưa được thường xuyên, liên tục.
Do đó, dự thảo Thông tư đề xuất phân cấp cho các địa phương và cấp dưới thực hiện nội dung này theo tinh thần cải cách, đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cũng như phát huy hiệu quả quản lý nhà nước với các địa phương, đơn vị cấp dưới.
Để tăng trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa từ khâu tuyển sinh, mở lớp, đào tạo, kiểm tra, đánh giá học sinh đến khi trình cơ quan thầm quyền tổ chức hội đồng thi, dự thảo đề xuất các Sở GTVT tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu, đảm bảo chất lượng theo quy định.
Đồng thời, các Sở GTVT chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý đối với toàn bộ hồ sơ dự thi, kiểm tra của các thí sinh.
Ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế gian lận trong thi cử
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng đề xuất bổ sung quy định về việc thi trên máy vi tính đối với môn thi trắc nghiệm lý thuyết tổng hợp để phù hợp với thực tiễn, tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế gian lận trong quá trình tổ chức hội đồng thi, kiểm tra cấp GCNKNCM, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Thời gian thi điều chỉnh giảm từ 60 phút xuống còn 30 phút.
Trong đó, Cục Đường thủy nội địa VN có trách nhiệm xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm dùng cho thi, kiểm tra môn lý thuyết tổng hợp và hướng dẫn thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.
Lý giải về điều này, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, cơ quan này đã chủ động xây dựng phần mềm phục vụ thi môn lý thuyết tổng hợp đối với thuyền viên trên máy tính để tăng tính công khai, minh bạch, tránh gian lận trong thi cử.
Phần mềm đã áp dụng vào thực tiễn kể từ năm 2019 đến nay, quá trình thực hiện đạt được kết quả rất tích cực được người dân, doanh nghiệp vào học viên đánh giá cao.
Tuy nhiên quy định hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc thi trên máy vi tính. Do đó, nội dung này cần được bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Cùng đó, việc bổ sung quy định này còn nhằm chính thức áp dụng và để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức các kỳ thi, kiểm tra cấp GCMKNCM, chứng chỉ chuyên môn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận