Từ đó, dư luận mới biết được sự thật là có những người chỉ chuyển ủng hộ 10 nghìn đồng, nhưng lại lên mạng công bố rằng mình đã chuyển cả trăm triệu đồng.
Việc công khai sao kê lộ ra sự thật có những người chuyển tiền ủng hộ ít nhưng lên mạng công bố mình chuyển cả trăm triệu đồng.
Ủng hộ đồng bào chịu thiên tai là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần sẻ chia, tương ái tương thân khi đồng bào gặp cơn hoạn nạn. Việc ủng hộ ít hay nhiều có lẽ không quan trọng, mà cần nhất ở tấm lòng. Ủng hộ 10 nghìn chẳng sao, nhưng nếu "nổ" tới cả trăm triệu thì rõ ràng đã có vấn đề.
Trong trường hợp này, lẽ ra những người đó nên im lặng thì vẫn hơn.
Trước, trong và sau bão, đã có hàng chục vạn chiến sĩ quân đội, công an không quản hiểm nguy, âm thầm giúp đỡ nhân dân, họ đâu có cần "flex" trên mạng?
Cũng liên quan đến cứu trợ, vợ chồng ca sĩ nọ đã nhận "mưa gạch đá" khi phát mì tôm, gạo ở một xóm bãi ven sông Hồng, Hà Nội. Nhiều người dè bỉu vợ chồng ca sĩ ngồi thuyền trong khi nước ngập không sâu, rằng "đi phát đồ cứu trợ ở khu nhà giàu"… Rất nhiều những lời lẽ khiếm nhã đã được buông ra.
Thực tế, trong chuyến cứu trợ ấy, vẫn có rất nhiều người tới nhận đồ, chứng tỏ việc thiếu thốn là có thật. Dù chẳng phải vùng sâu, vùng xa, nhưng rõ ràng xóm bãi đó đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ khi nước sông dâng cao, đi lại khó khăn. Trong tình cảnh đó, có thêm thùng mì, bao gạo để góp vào những bữa ăn là rất đáng quý.
Trong trường hợp này, lẽ ra những người đã buông lời không hay về hành động của vợ chồng ca sĩ nọ, họ nên im lặng thì hơn. Tôi dám chắc, tới đây xóm bãi gặp cảnh ngập lụt thêm lần nữa, chắc sẽ rất khó để ai "dám" vào đó để làm từ thiện nữa.
Trong và sau bão Yagi, cũng có rất nhiều người bị xử phạt vì đưa tin thất thiệt về ảnh hưởng của bão, về thiệt hại, về sự cố vỡ đê… Những thông tin không có thật này đã khiến dư luận xôn xao, nhiều người hoang mang, lo lắng.
Quả thực, khi cả xã hội đang phải đối mặt với một cơn bão có sức tàn phá lớn như thế, chỉ cần sự im lặng của họ thôi cũng là tốt cho xã hội lắm rồi.
Mạng xã hội là nơi các cá nhân có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai trước vấn đề nào đó của xã hội. Tuy nhiên, không phải việc gì và khi nào các quan điểm cá nhân cũng phù hợp với các quy tắc đạo đức, thậm chí còn vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, đôi khi việc thể hiện quan điểm của cá nhân nào đó khiến sự việc không có gì thành nghiêm trọng, việc đã rối lại càng thêm rối hay vô tình làm tổn thương người khác.
Thế mới thấy, trong bão lũ hay bất cứ sự việc nào, đôi khi im lặng cũng là một sự giúp đỡ đồng bào rồi!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận