Hà Nội gồng mình chống dịch. Rất nhiều người ròng rã cống hiến nhiều tháng qua để không phải phong tỏa thành phố.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” tìm bằng được đối tượng cần cách ly cũng vì lẽ đó.
Nhưng một khi đã không rõ nguồn lây như ca nhiễm mới ở Bệnh viện Bạch Mai thì “gõ từng nhà” không còn là giải pháp an toàn nữa. Chỉ có ở yên trong nhà thì may ra.
Vũ Hán hơn 4.000 người chết.
Một tháng sau, Italia xô đổ kỷ lục của Trung Quốc. Châu Âu buộc phải phong tỏa, đóng cửa toàn bộ biên giới, xử phạt người ra đường.
Tây Ban Nha, Mỹ, Anh, Pháp... đều là những chiến binh dự bị lên đầu bảng xếp hạng thảm khốc này.
Dù mỗi nước một quan điểm chống dịch khác nhau nhưng biện pháp cuối cùng vẫn là “phong thành”. Không có ngoại lệ.
Làm trước thì khỏi làm sau. Không thể để đến lúc tan hoang mới làm.
Dù biết khó khăn nhưng tôi ủng hộ tuyệt đối nếu Hà Nội ra lệnh giới nghiêm ngay khi có diễn biến nguy cấp của dịch bệnh.
Hàng quán đóng cửa, người lao động mất việc về quê. Bạch Mai giảm tải chuyển bệnh nhân về các tỉnh sẽ là mối nguy mầm bệnh lan ra cả nước.
Làm sớm, “đóng cửa” thành phố 20 ngày để dập dịch là một giải pháp cần tính đến.
Trong lúc đó, chính quyền nên hỗ trợ, phát lương thực thiết yếu cho người dân; cam kết cung cấp gói tín dụng, miễn thuế, phí cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sau dịch, trợ cấp cho người thất nghiệp.
Khi ban bố tình trạng khẩn cấp, trấn an lòng dân cũng cấp thiết như bảo vệ tính mạng vậy.
Nếu chưa lệnh giới nghiêm, thì việc cần làm ngay là phạt nặng những nơi tụ tập đông người, những kẻ vô ý thức đang đạp đổ công sức của bao người khác.
Chính quyền cần một Quyết định đủ mạnh, đủ căn cứ pháp lý để ra lệnh đóng cửa quán xá, cấm tụ tập từ bao nhiêu người trở lên, vi phạm xử phạt thế nào.
Lệnh cấm tụ tập không thể chung chung, khó hiểu, khó thi hành trong một công văn vắn tắt như những ngày qua, trước khi có chỉ đạo cấm tụ tập quá 20 người ngoài cơ quan, công sở của Thủ tướng.
Không thể đối xử với người tuân thủ và người không tuân thủ như nhau. Đó là coi thường phép nước, dẫn đến nhờn luật.
Ngay lúc này, cần quyết liệt để không còn các điểm tụ tập đông người ở nhà thờ, đền phủ, chùa chiền…
Bài học dịch bùng phát từ lễ hội, thánh đường ở Italia, Hàn Quốc, Malaysia còn ngay trước mắt.
Nhiều bang ở Mỹ đã hướng dẫn giáo dân tham gia các buổi cầu nguyện online.
Tín ngưỡng không ai cấm nhưng pháp luật phải nghiêm minh.
Muốn cầu nguyện, lễ Phật hãy ở nhà nếu thành tâm. Vi phạm lệnh giới nghiêm phải bị xử lý.
Trong cuộc chiến này, nếu người có ý thức phụ thuộc vào hành vi của người vô ý thức thì phần thua đã nắm chắc trong tay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận