Hỏi - Đáp

Uống rượu bia, dắt xe qua chốt CSGT có bị xử phạt?

06/11/2024, 11:52

Theo quy định thì việc dắt xe sau khi đã uống rượu, bia sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên cảnh sát sẽ làm rõ hành vi đó có phải là đối phó hay không.

Hỏi:

Thời gian qua, tôi thấy hiện tượng một số người sau khi uống rượu đã điều khiển xe máy, khi thấy phía trước có chốt kiểm tra nồng độ cồn liền xuống xe dắt bộ để đi qua. Xin hỏi trong trường hợp nêu trên, người đó có bị xử lý không?

Nguyễn Văn Bắc (quận Hà Đông, Hà Nội)

Uống rượu bia, dắt xe qua chốt CSGT có bị xử phạt?- Ảnh 1.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người đi xe máy tại chốt kiểm tra nồng độ cồn (ảnh minh họa).

Luật sư Nguyễn Văn Tùng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời:

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm hành vi "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Nghị định số 100 cũng đã quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với người điều khiến phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Luật quy định chỉ xử phạt vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông, vì thế việc dắt xe sau khi đã uống rượu, bia sẽ không bị xử phạt.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa các tình huống dắt xe. Nếu sau khi uống rượu bia, tài xế dắt bộ từ quán nhậu về nhà hoặc địa điểm để xe thì không bị xử phạt vì người này không điều khiển phương tiện.

Đối với hành vi đã uống rượu bia, đang điều khiển phương tiện nhưng khi thấy chốt kiểm tra nồng độ cồn, đối phó bằng cách xuống xe dắt bộ xe mô tô qua chốt kiểm soát nồng độ cồn thì sẽ bị xử lý.

Lực lượng CSGT sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Biện pháp nghiệp vụ ở đây có thể hiểu là CSGT phát hiện trực tiếp, hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (hình ảnh, video), hoặc nhân chứng… về việc tài xế đó có điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia.

Khi đầy đủ bằng chứng, cho dù người vi phạm đối phó, thậm chí không thừa nhận, lực lượng CSGT hoàn toàn có căn cứ để lập biên bản, xử phạt theo quy định pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.