Trước đó, Ủy ban Châu Âu yêu cầu sàn TMĐT thuộc sở hữu của PDD Holdings, phải cung cấp thông tin trước ngày 21/10 về việc Temu có vi phạm các quy tắc nhằm ngăn chặn các sản phẩm bất hợp pháp hay không. Căn cứ vào kết quả xem xét hồ sơ, Ủy ban sẽ "xác định các bước tiếp theo".
Theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu, các công ty có hơn 45 triệu người dùng bị coi là "nền tảng trực tuyến rất lớn" (VLOP) và phải tích cực ngăn chặn những nội dung bất hợp pháp, cũng như buôn bán hàng giả trên nền tảng của họ. Ủy ban coi Temu là VLOP hồi tháng 5.
Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về báo cáo của Bloomberg. Trong khi đó, người phát ngôn của Temu không trả lời ngay lập tức câu hỏi của Bloomberg.
Sàn TMĐT Temu một tháng gần đây trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Việt Nam và bị cơ quan chức năng cảnh báo vì hoạt động mà chưa đăng ký với Bộ Công thương.
Ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật đối với hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688...
Để thực thi pháp luật hiệu quả, Bộ Công thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Bộ Công thương cũng kêu gọi người tiêu dùng tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ này xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT.
Ngoài ra, Bộ Công thương chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Bộ Công thương cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhanh chóng tham mưu cho Lãnh đạo bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam như Temu.
Theo văn bản Bộ Công thương phát đi ngày 27/10, hôm nay 31/10 là hạn chót sàn TMĐT Temu phải đăng ký xin phép hoạt động với cơ quan quản lý tại Việt Nam.
Trong những ngày vừa qua, nền tảng TMĐT Temu thâm nhập thị trường Việt Nam bằng phiên bản tiếng Việt với nhiều mặt hàng đều được giảm giá từ 70-90%. Việc Temu chưa đăng ký cấp phép, bán giá siêu rẻ theo kiểu phá giá... khiến các cơ quan chức năng và người tiêu dùng lo ngại về chất lượng sản phẩm cũng như đầu ra cho sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương ngày 23/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết "giật mình" về mức giá Temu đang bán trên thị trường. Ngay sau đó, sàn TMĐT Temu gửi công văn lên Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử tại Việt Nam, nhưng cho đến sáng nay hôm nay (31/10), Temu chưa có giấy phép hoạt động TMĐT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận