Không có khách, tăng giá cước cũng không dám, xe buộc phải nằm bến, nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, đối mặt nguy cơ phá sản.
Tài xế bỏ nghề, doanh nghiệp bán xe
Bắt đầu công việc từ 5h sáng và kết thúc vào 21h tối, trung bình mỗi ngày anh Nguyễn Ngọc Khánh, tài xế GrabCarPlus làm việc hơn 12 giờ và di chuyển hàng trăm km để chở khách.
Giá xăng dầu tăng phi mã trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp vận tải càng thêm kiệt quệ, đối mặt với nguy cơ phá sản (Trong ảnh: Bến xe Giáp Bát vắng vẻ, đìu hiu, tài xế và phụ xe còn nhiều hơn cả hành khách). Ảnh: Tạ Hải
Nhưng đó là trước đây. Còn khoảng gần 1 tháng nay, anh Khánh phải cắt bớt quá nửa thời gian làm việc vì không chịu nổi giá xăng dầu tăng phi mã.
Theo anh Khánh, trước đây, chiếc Mitsubishi Xpander của anh đổ 700.000 đồng là đầy bình, nay số tiền phải trả lên hơn 1 triệu đồng. Nếu trước đây, mỗi ngày anh chạy khoảng 30 cuốc xe, thì nay phải giảm xuống một nửa. Những cuốc có quãng đường ngắn, nhiều tài xế phải hủy chuyến vì tiền xăng vượt quá số tiền nhận được.
“Tuy Grab đã tăng giá cước nhưng không thấm tháp gì. Giá cước tăng nhưng mức chiết khấu cho hãng vẫn ở mức 32%, Grab vẫn được hưởng lợi nên thu nhập của tài xế không thay đổi”, anh Khánh nói và cho hay, nhiều tài xế công nghệ hiện đã bỏ nghề.
Trong khi đó, những ngày này, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (sở hữu gần 200 đầu xe khách chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng) đang đau đầu nghĩ cách cắt giảm chi phí vận hành để bù lại chi phí xăng dầu.
“Một chuyến xe quay đầu chi phí gần 8 triệu đồng mà chỉ chở vỏn vẹn 4 hành khách, nhưng vẫn phải chạy. Hiện tôi phải cho nằm bến gần hết, chỉ duy trì 20% xe chạy mỗi ngày, cầm cự được đến đâu biết đến đó. Không chạy thì “chết” ngay lập tức, còn chạy thì “chết” từ từ. Thôi thì cố duy trì để xem có “sống” được đến khi giá xăng dầu quay đầu giảm hay không”, ông Hải than thở.
Cũng theo ông Hải, trước đây một chuyến xe chi phí xăng dầu hết 3,5 triệu đồng, hiện tại lên gần 8 triệu đồng, chưa kể phí cầu đường, khấu hao xe, bến bãi, lãi ngân hàng và lương tài xế. Phương án tăng giá cước cũng được tính đến nhưng nếu cao quá sẽ không có khách.
Là đơn vị chuyên vận chuyển khách hợp đồng, du lịch, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên cho biết, doanh nghiệp có 350 xe, qua đợt dịch đã bán 300 xe. Số xe còn lại hầu hết cho nằm bãi, chỉ duy trì 20 xe chở công nhân.
“Làm cách nào để cầm cự là bài toán sống còn lúc này. Nhiều chính sách của Nhà nước đã ban hành nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, trong khi ngân hàng không cho giãn nợ, lãi vẫn thu đều”, ông Tùng nói.
Hãng taxi lo không trụ nổi
Giá xăng tăng phi mã khiến các tài xế xe công nghệ gặp thêm nhiều khó khăn. Ảnh:Tạ Hải
Tương tự, các hãng taxi cũng đang chìm trong khó khăn. Ông Chu Văn Sơn, Giám đốc hãng Taxi 123 ví von: “Các hãng taxi như những võ sỹ bị hạ knock out, đang gắng gượng đứng dậy sau đại dịch lại bị giáng thêm một đòn chí mạng nữa. Doanh nghiệp có gần 180 đầu xe, hiện đã bán 100 xe. Nhiều tài xế làm không đủ sống đã bỏ nghề. Bản thân tôi và các ông chủ taxi khác như Taxi ABC, Thăng Long, Thanh Nga, G7... cũng không còn mặn mà với taxi, đang tìm hướng kinh doanh khác”.Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, qua nhiều đợt dịch, đến nay hoạt động của các hãng taxi đã giảm 60-70% cả về doanh thu lẫn nhân lực. Nếu tình hình không thay đổi, sắp tới khó có hãng nào trụ được.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) cho biết, với tình hình hiện tại, các doanh nghiệp taxi chỉ có hai phương án là tăng giá cước hoặc chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, dù chọn bất kỳ phương án nào cũng không dễ.
“Trong cơ cấu giá thành, xăng dầu chiếm từ 25-30%. Với mức giá như hiện nay, doanh nghiệp taxi chịu hết nổi rồi. Cước vận tải tăng thì nhiều thứ khác tăng theo, khi đó người dân gánh chịu hết”, ông Hỷ nói.
Ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hạ Vinh (taxi Vạn Xuân, Nghệ An) cho biết, đến nay doanh nghiệp phải bán, dừng hoạt động một nửa số xe của công ty và xe thương quyền (từ hơn 300 xe giảm còn gần 200 xe). Lượng khách hiện chỉ bằng 20% trước khi xảy ra dịch. “Nếu xăng cứ ở mức 30.000 đồng/lít thì doanh nghiệp chỉ có nước đóng cửa”, ông Đạt nói.
Tương tự, đại diện hãng taxi Sen Vàng (ở Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, khả năng cầm cự của doanh nghiệp cũng chỉ có thể đến hết quý III năm nay.
Hàng hải, đường thủy cũng lao đao
Không chỉ lĩnh vực vận tải khách, giá xăng dầu cao kỷ lục cũng tác động rất lớn đến các doanh nghiệp hàng hải, đường thuỷ.
Ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam chia sẻ, ông rất lo lắng về khả năng cầm cự của doanh nghiệp, khi từ tháng 12/2021 đến nay, giá dầu đã tăng hơn 45%.
Ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, hiện có 140/153 đơn vị vận tải đã hoạt động trở lại tại bến kể từ sau khi TP.HCM khôi phục kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, lượng khách bình quân đạt khoảng 6.000 khách/ngày, khoảng 42% so với tháng 2/2021, còn so với thời gian trước dịch chỉ đạt khoảng 32%.
Hiện tại bến xe đã nhận được đơn kê khai điều chỉnh giá vé tăng 20% của 11 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến. Trong khi đó, nhiều chủ hãng xe giường nằm tại bến cho hay, đang tính đến việc bán xe để trả nợ ngân hàng.
“Nặng nề nhất là việc vận hành con tàu SB 3.000 tấn. Với mức độ tiêu thụ nhiên liệu từ 22.000 - 23.000 lít dầu/chuyến, chi phí nhiên liệu tăng từ gần 400 triệu đồng cuối năm 2021 lên 600 triệu đồng.
Với giá cước hiện tại, mỗi chuyến tàu doanh thu xấp xỉ 800 triệu đồng, chi phí nhiên liệu 600 triệu, phí cảng 60 triệu, chi phí ăn uống, bảo hiểm thuyền viên 200 triệu đồng… doanh nghiệp phải bù lỗ hơn 200 triệu đồng”, ông Ngọ chia sẻ.
Một doanh nghiệp vận tải biển nội địa tại Hải Phòng cho biết, giá dầu hiện tại tăng hơn 45% đã đẩy giá thành vận tải tăng hơn 20%. Trong khi đó, giá cước áp dụng với khách hàng chưa thể điều chỉnh khiến doanh nghiệp lỗ chồng lỗ.
Do hàng ít, chi phí vận hành cao, đơn vị đã chuyển nhượng 3 tàu trọng tải 2.000 tấn, hiện chỉ còn khai thác 4 tàu tải trọng 3.000 tấn.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho biết, đặc thù của phần lớn các đơn hàng vận chuyển hàng hóa là hợp đồng dài hạn nên không thể điều chỉnh tăng ngay giá cước.
Đối với lĩnh vực hàng hải, ông Dương Ngọc Tú, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển Vinaship cho hay, sự tăng giá mạnh của các nhóm hàng nguyên liệu cơ bản cộng với biến động giá xăng, dầu có thể sẽ kéo tổng cầu các mặt hàng này giảm xuống, thị trường vận tải biển đối mặt với nguy cơ giảm phát.
Doanh nghiệp cần gì?
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Chính phủ đã thông qua đề xuất giảm 2.000 đồng thuế môi trường đối với mỗi lít xăng. Tuy nhiên, mức này vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì mà doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải cũng bày tỏ, hy vọng giá xăng dầu chỉ tăng trong ngắn hạn, còn nếu kéo dài thì các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tăng giá cước. Khi đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả chung, khiến lạm phát tăng cao.
“Nhà nước nên sớm tháo gỡ bằng việc giảm thuế nhập khẩu và sử dụng quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu trong thời gian nhất định”, ông Hải kiến nghị.
Lãnh đạo Vinaship và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị, nên áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ tháng 3/2022 cho đến khi giá dầu thế giới bình ổn trở lại mức dưới 80 USD/tấn. Đồng thời, xem xét điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng xuống 5 - 6% đến hết quý II/2022 thay vì 10% như hiện nay.
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đề nghị Cục Hàng hải VN báo cáo Bộ GTVT làm việc với Bộ Tài chính ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải như: Giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện ra/vào các vùng nước để giao nhận hàng hóa tại các khu vực cảng biển, khu vực cụm các ICD và các bến thủy nội địa từ tháng 4/2022 đến hết 31/12/2022; Giảm thuế GTGT cho các dịch vụ vận tải đường thủy từ 8% xuống còn 5%; xem xét điều tiết thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống còn 15%.
Kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ
Liên quan đến chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không; có chính sách tín dụng như hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải thủy nội địa; xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ.
Đồng thời, kiến nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố gia hạn giảm phí, lệ phí hàng hải, phí sử dụng công trình hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng.
Cũng theo ông Ngọc, tình hình giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới và trong nước có biến động tăng, đã và đang có những tác động nhất định đến giá thành các dự án giao thông và giá dịch vụ vận tải.
“Bộ GTVT đang theo dõi sát tình hình và đề xuất giải pháp kiểm soát giá dịch vụ vận tải, báo cáo Chính phủ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh”, ông Ngọc thông tin.
Trần Duy
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân):
Tiết giảm chi phí trong thời điểm khó khăn
Giá xăng dầu tăng làm kéo theo chi phí vận tải, logistics tăng... Điều này làm giảm lợi nhuận, thậm chí gây lỗ cho doanh nghiệp vận tải hoặc các ngành nghề sử dụng nhiều xăng dầu, từ đó làm giảm sút giao dịch kinh tế.
Khi diễn biến tăng giá lan sang các lĩnh vực khác, giá hàng tiêu dùng cũng sẽ tăng. Và việc tăng giá này sẽ làm giảm thu nhập thực tế người lao động, gây khó khăn trong lực lượng lao động.
Tuy nhiên, tôi cho rằng diễn biến tăng giá này chỉ mang tính cục bộ do ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine cùng với tâm lý và đầu cơ. Do đó, khi chiến sự kết thúc, cấm vận bị bãi bỏ thì giá xăng dầu sẽ hạ. Thời gian có thể khoảng 4-6 tháng. Do đó, chúng ta cần có giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả từ Nhà nước. Kể cả doanh nghiệp và người dân, ngoài hỗ trợ từ chính sách cũng cần tính toán lại, tiết giảm các chi phí, cân đối hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lưu Thuỷ (Ghi)
Nhiên liệu bay tăng giá, VNA phải chi thêm hàng nghìn tỷ đồng
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA), thời gian qua, giá nhiên liệu bay Jet A1 đã tăng từ mức gần 73 USD/thùng năm 2021 lên hơn 100 USD/thùng.
Khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra từ 24/2/2022, giá dầu thô tiếp tục tăng nhanh, có lúc lên tới 138 USD/thùng khi các quốc gia thảo luận về cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga đầu tháng 3/2022.
Một số nhà phân tích dự báo giá dầu thô sẽ nhanh chóng đạt ngưỡng 150 USD/thùng, vượt mức giá kỷ lục 147 USD/thùng năm 2008. Trong trường hợp này giá nhiên liệu bay Jet A1 sẽ tăng lên mức hơn 160 USD/thùng. Cũng không loại trừ những kịch bản xấu, giá có thể lên đến 200 USD/thùng.
Việc giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình đầu tháng 3/2022 đạt trên 130 USD/thùng khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng và nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng.
T.Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận