Khám phá

Về làng rượu Kim Long trong “tứ đại danh tửu” những ngày cận Tết

01/01/2025, 14:38

Những ngày gần cuối năm, làng nấu rượu bằng nồi đồng hơn 200 năm nổi tiếng ở Quảng Trị tất bật đỏ lửa để kịp các đơn đặt hàng cho dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Làng nấu rượu tuổi đời hơn 200 năm

Những ngày trung tuần tháng 12/2024, chúng tôi men theo quốc lộ 49C băng qua cánh đồng để vào làng rượu Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Dọc con đường bê tông nhỏ, những lò rượu của người dân đang đỏ lửa suốt ngày để kịp giao đơn hàng Tết.

Về làng rượu Kim Long trong “tứ đại danh tửu” những ngày cận Tết- Ảnh 1.

Cổng chào vào làng nấu rượu nổi tiếng Kim Long.

Gần 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Gái ở làng Kim Long là một trong những người đang nắm giữ "bí kíp" tự làm men truyền thống của gia đình để nấu ra những giọt "mỹ tửu" nổi tiếng nơi đây. Tuy công việc những ngày gần cuối năm tất bật, nhưng bà Gái vẫn vui vẻ thực hiện tỉ mỉ các công đoạn để cho ra loại rượu nức tiếng bao đời nay.

Vừa chuyện trò, bà Gái vừa với tay phía chạn bếp lấy ra những cục men trắng bỏ vào chiếc cối nhỏ giã mịn thoang thoảng mùi thơm dễ chịu.

"Men này có 16 vị dược liệu từ thời ông cố, ông nội tôi đã làm và truyền lại, trong đó có riềng, thân cây cà quắn để trị ngọn gió lùa thường làm men bị hỏng. Men làm xong phơi khô sau hai tuần khô mới sử dụng được", bà Gái chia sẻ.

"Từ khi ủ men đến khi nấu một tuần, ủ men 5 ngày sẽ cho nước vào thêm và thêm 2 ngày nữa sẽ cho vào nồi đưa lên bếp nấu rượu. Mỗi nồi 8 đến 9 lon gạo tính ra trên dưới 2kg cơm, thời gian nấu mỗi nồi rượu trên bếp khoảng 3 giờ, mỗi nồi như vậy lấy 1 đến 1,2 lít rượu", bà Gái cho hay.

Nét độc đáo của các lò rượu truyền thống ở làng Kim Long là nồi nấu rượu bằng đồng, phía trên nồi có chiếc lao được làm bằng gỗ ghép lại như chiếc trống để cho nước vào khi nấu, trong lao gỗ này có ca inox úp vào nhau…

Ngoài rượu trắng truyền thống được nấu từ gạo chủ yếu là giống lúa Khang Dân, hiện nay gia đình bà Gái và nhiều hộ gia đình ở làng Kim Long còn cho ra những sản phẩm rượu "đặc sản" nấu từ gạo đỏ, nếp thơm được gieo trồng tại vựa lúa lớn nhất vùng phía Nam tỉnh Quảng Trị.

Về làng rượu Kim Long trong “tứ đại danh tửu” những ngày cận Tết- Ảnh 2.

Nồi nấu rượu bằng đồng và lao bằng gỗ đặt trên nồi nấu rượu ở làng Kim Long.

Giá bán tại các lò rượu hiện nay ở Kim Long tùy theo loại. Ví như rượu gạo hiện có giá 35.000 đồng, rượu nếp 45.000 đồng, rượu gạo tím 75.000 đồng/lít.

Ông Hoàng Tấn Thông, Chủ tịch UBND xã Hải Quế chia sẻ thêm rằng, rượu ở làng Kim Long được nấu bằng phương pháp thủy thượng, khi đun lửa nấu sẽ bốc hơi lên gặp nước trong lao ngưng tụ và sau đó những giọt rượu hình thành chảy ra...

Một trong những yếu tố tạo nên hương vị rượu Kim Long đặc trưng là nguồn nước, men, kinh nghiệm nấu rượu bằng đun củi cho lửa đỏ liu riu và cả ẩm độ không khí ở vùng đất Kim Long này. Đặc biệt, cũng con người của gia đình nấu rượu ngon ở đây, khi lấy chồng nơi khác cũng nấu với cùng công thức nhưng không trong và không ngon bằng nấu ở đây. Có người về làng lấy nước để nấu nhưng rượu cũng không ngon bằng…

Ông Thông còn cho biết, theo lời kể của các bậc bô lão trong làng, làng nghề truyền thống rượu Kim Long ở xã Hải Quế xuất hiện từ thời Pháp thuộc. Sau khi tấn công chiếm kinh thành Huế, đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã cử nhiều đoàn thăm dò địa chất để tìm nơi có thể lập hãng rượu. Sau quá trình khảo sát rất nhiều nơi, họ quyết định chọn làng Kim Long để thành lập nhà máy sản xuất rượu, ngày xưa gọi là rượu Xika của Pháp.

Khi rượu ra lò đóng vào chai, những chai rượu được đem ngâm trong hồ nước lạnh một thời gian theo ấn định rồi đưa lên thuyền chở vào Huế theo tuyến sông đào Vĩnh Định. Một phần nhỏ được tiêu thụ khắp lãnh thổ Việt Nam thời bây giờ, còn phần lớn được mang lên tàu chở về Pháp và từ đó xuất cảng khắp thế giới.

Về làng rượu Kim Long trong “tứ đại danh tửu” những ngày cận Tết- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Gái chia sẻ về men truyền thống của gia đình làm được truyền nghề lại trong gia đình từ nhiều đời nay.

"Về sự thơm ngon của rượu Kim Long, trong Sách Đại Nam Nhất Thống Chí quyển thứ 8, mục thổ sản có nhận xét "rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết", điều này góp thêm phần trang trọng và mang tiếng thơm về vị trí một thời vang bóng của rượu Kim Long xưa", ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Kim Long, xã Hải Quế chia sẻ thêm.

Đáng tiếc, dù rượu Kim Long (Quảng Trị) được truyền tụng là "tứ đại danh tửu" trong dân gian, nhưng thương hiệu rượu nổi tiếng này ở Quảng Trị hiện trong cảnh "mỹ tửu long đong", chưa đăng ký được nhãn hiệu vì đã bị người khác lấy thương hiệu rượu Kim Long đứng tên đăng ký nhãn hiệu...

Xin trả lại thương hiệu rượu nổi tiếng hơn 200 năm...

Ông Hoàng Tấn Thông, Chủ tịch UBND xã Hải Quế nói rằng, mặc dù thương hiệu rượu Kim Long "vang bóng" từ hơn 200 năm trước, nhưng sản phẩm rượu nổi tiếng của người dân làng nấu rượu này chưa được đăng ký nhãn hiệu, chưa được bảo hộ độc quyền thương hiệu nên hạn chế trong tiêu thụ sản phẩm khiến địa phương rất trăn trở.

Cách đây chừng 20 năm, chủ một doanh nghiệp không phải người ở làng Kim Long đóng trên địa bàn huyện Hải Lăng về làng nấu rượu nổi tiếng này huy động người dân Kim Long nấu rượu để họ thu mua, đóng chai, nhãn mác bán ra thị trường. Doanh nghiệp này sau đó đã đăng ký nhãn hiệu rượu Xika Kim Long và không thu mua rượu của người dân làng Kim Long nấu nữa.

Làm ăn được một thời gian, doanh nghiệp này lâm cảnh khó khăn rồi "cửa đóng then cài" từ nhiều năm qua, còn người dân làng Kim Long nhiều năm nay không thể đăng ký nhãn mác cho thương hiệu rượu nổi tiếng của mình. Người dân chủ yếu bán cho những người quen trong tỉnh, những người làng Kim Long đi làm ăn xa và những người đã thưởng thức rượu Kim Long đặt mua, không thể đặt chân vào siêu thị và ra thị trường rộng lớn, giá bán cũng không được cao.

Về làng rượu Kim Long trong “tứ đại danh tửu” những ngày cận Tết- Ảnh 4.

Những thùng cơm rượu gạo tím đã được ủ men chuẩn bị nấu.

"Chúng tôi đang kiến nghị để lấy lại thương hiệu rượu nổi tiếng của người dân địa phương nhưng chưa được", ông Thông cho hay.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc HTX Kim Long cho hay, HTX đang quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, chuyên canh để chủ động cho việc nấu rượu truyền thống của làng nghề.

Theo ông Phước, hiện nay ở làng Kim Long có trên 200 hộ dân đang nấu rượu truyền thống. Sản lượng rượu bình quân mỗi năm khoảng trên 100.000 lít, sử dụng nguyên liệu khoảng 200 tấn gạo và số rượu trên bán được khoảng 7-8 tỷ đồng. Ngoài ra, gạo ở địa phương còn cung ứng cho các cơ sở làm bún, bánh ướt…

Đặc biệt, rượu Kim Long ban đầu nấu ra trên 55-60 độ, nhưng để trong vòng vài tháng dịu lại còn 45 độ và rất thơm ngon, uống xong không đau đầu.

"Thông thường rượu để lâu và hiện nay có máy khử andehit, nhưng rượu làng nghề Kim Long nấu theo phương pháp thủy thượng, bốc hơi và ngưng tụ nên andehit đã bốc hơi. Thời gian qua có các đoàn liên ngành về kiểm tra, nấu xong test andehit nhưng hầu như không có. Chúng tôi cũng đã đem rượu tới 2 trung tâm kiểm nghiệm ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều cho kết quả hàm lượng andehit gần như bằng 0", ông Phước cho hay.

Về làng rượu Kim Long trong “tứ đại danh tửu” những ngày cận Tết- Ảnh 5.

Men được giã mịn rồi cho lên sàng rắc đều lên cơm, sau đó dùng đũa tiếp tục trộn đều trước khi cho vào thùng ủ.

Những ngày này, ông Phước đang cùng người dân tất bật lui tới chọn mẫu chai, nhãn mác để làm đăng ký OCOP cho sản phẩm rượu Kim Long làng mình kịp bán ra thị trường trong dịp Tết.

Theo ông Phước, đơn vị đang đề xuất với tỉnh, huyện để xin lại thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu rượu Kim Long truyền thống chính danh của làng.

"Trước mắt chúng tôi đang làm nhãn hiệu tập thể rượu làng nghề truyền thống Kim Long. Chúng tôi đã được công nhận làng nghề truyền thống, nhưng do đang vướng nhãn hiệu rượu Xika Kim Long mà doanh nghiệp đã về thu mua đăng ký nhãn hiệu nên nhãn hiệu chúng tôi làm vẫn chưa được. Vừa rồi chúng tôi đề xuất là rượu Kim Long Hải Quế hoặc rượu làng Kim Long cũng chưa được.

Chưa có được nhãn hiệu nên thời gian quan làng rượu Kim Long chỉ có bán rượu thô, giá thấp. Làm được nhãn hiệu tập thể rồi sẽ nâng cao giá trị sản phẩm rượu Kim Long truyền thống của làng nghề chúng tôi, giá bán sẽ được cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn…", ông Phước nói.

Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa, tuân thủ quy định "đã uống rượu bia - không lái xe"

Theo ông Hoàng Tấn Thông, Chủ tịch UBND xã Hải Quế, cùng với việc "hồi sinh" làng nghề truyền thống rượu Kim Long, trong những năm qua, địa phương luôn quan tâm giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa, trong đó có việc uống bia rượu, đặc biệt là đã uống rượu bia - không lái xe...

Mai một làng nghề giấy dó độc nhất xứ NghệMai một làng nghề giấy dó độc nhất xứ Nghệ

Không ai biết nghề làm giấy dó ở xã Nghi Phong, TP Vinh (Nghệ An) có từ khi nào. Hiện tại, do nhiều yếu tố, nguồn nguyên liệu mất dần khiến nghề này cũng mai một.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.