Chính trị

Vị Bí thư Hà Nội giản dị trong ký ức cán bộ giúp việc

24/07/2024, 09:00

"Bác luôn nhắc nhở, anh em mình là người Hà Nội. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Vì thế, làm bất cứ việc gì cũng phải ứng xử văn hóa, văn minh", ông Soái nhớ lại.

Những bữa cơm bình dị 

Nhớ về những ngày đầu trực tiếp giúp việc cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Công Soái, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, đó là những ký ức khắc sâu, những bài học quý cho công việc trong suốt cuộc đời ông.

Ông Soái kể, khi ông nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội thì đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Thành ủy Hà Nội. 

Lần gặp mặt đầu tiên, Bí thư căn dặn: "Chú dành thời gian 3 tháng để nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định của Thành ủy và 3 tháng sau thấy gì bất cập, vướng mắc ở Ban Tổ chức Thành ủy thì hãy điều chỉnh. Đừng có tân quan, tân chính sách".

Vị Bí thư Hà Nội giản dị trong ký ức cán bộ giúp việc- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu và cử tri tại quận Đống Đa (chụp tháng 10/2023).

"Điều mà tôi học được ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tinh thần làm việc khách quan, công tâm, không đưa người ở cơ quan cũ đi theo mình lên cơ quan mới. Ngược lại, phải sử dụng các cán bộ, công chức hiện có để phân công đúng người, đúng việc, để họ phát huy được sở trường của mình", ông Soái nói.

Ông Soái cho biết, trong suốt thời gian làm Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở ông về cách ứng xử với mọi người khi làm việc.

"Bác luôn nhắc nhở, anh em mình là người Hà Nội. 'Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An'. Vì thế, làm bất cứ việc gì cũng phải ứng xử sao cho văn hóa, văn minh", ông Soái nhớ lại.

Vinh dự có thời gian được làm việc cùng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, ông Soái cho biết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng cho đức tính giản dị.

Thời điểm đó, nhà ăn của Thành ủy Hà Nội chật chội, nên Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng bảo ông để mọi người ăn trước, khoảng 12h kém 15 phút thì ông xuống nhà ăn sau.

"Khi đó có 4 người gồm tôi, đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Tài chính quản trị và bác Trọng. Mọi người ăn suất cơm như thế nào thì chúng tôi ăn như vậy, chỉ ưu ái chút là nồi cơm nóng hơn. Khi ăn xong, bác Trọng thường đọc thơ và kể những câu chuyện vui để mọi người giảm áp lực công việc", ông Soái kể.

Không chỉ khoa học, chỉn chu, tỉ mỉ trong công việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng luôn gần dân, sát dân để hiểu dân. 

Ông Nguyễn Công Soái cho biết, trong những năm làm Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm gần hết các xã của Hà Nội và dành sự quan tâm đặc biệt cho những xã gặp khó khăn.

Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng các cán bộ, nhân viên của cơ quan Thành ủy hễ ai có việc hiếu, việc hỷ, Bí thư Thành ủy đều đến thăm và động viên.

Với 10 năm làm việc, trong đó 2 năm trực tiếp là cấp dưới làm việc ở Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Công Soái đặc biệt học được ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng phong cách giản dị, liêm chính, đậm tình người.

Vị Bí thư Hà Nội giản dị trong ký ức cán bộ giúp việc- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và mừng tuổi nhân dân, các cháu thiếu nhi tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày 28/1/2017) (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

"Trong phòng làm việc của bác Trọng bày biện rất đơn giản, chỉ hơn 10m2 với một bộ bàn ghế và giá sách phía sau. Trên giá sách, Bí thư Thành ủy để những tác phẩm của Bác Hồ, Các Mác, Lênin và những cuốn sổ tay ghi chép từng lĩnh vực để dễ dàng tra cứu. 

Vào dịp Tết, đến thăm nhà bác Trọng cũng chỉ thấy bày duy nhất một cây đào, một cây quất nhỏ", ông Soái nhớ lại.

Chỉ đạo, định hướng cho Thủ đô rất sâu sát

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, cán bộ, đảng viên, nhân dân đều khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương đạo đức trong sáng, "dĩ công vi thượng", một lòng một dạ vì Đảng, vì dân. 

Đồng chí còn là nhà lãnh đạo hết sức tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. 

Từ tháng 8/1996 đến tháng 2/1998, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.

Từ tháng 1/2000 đến 6/2006, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.

"Những điều này không phải nhìn nhận thoáng qua, ngày một ngày hai, mà trên mọi cương vị: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư (gần 3 nhiệm kỳ)... thì những trải nghiệm, những công việc đồng chí làm đủ để cho xã hội, cho nhân dân tin tưởng. 

Cũng không khó khăn hay phải phân tích, giải thích, chứng minh gì nhiều, mà chỉ cần nhìn phong cách, sinh hoạt, ăn ở, đi lại, tiếp xúc với nhân dân, từ cái áo, cái cặp, cái kính đeo hằng ngày là thấy rất rõ", ông Phạm Quang Nghị nói.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chia sẻ, chiếc kính của đồng chí Nguyễn Phú Trọng dùng có lẽ đã mấy chục năm rồi, cái cặp làm việc của đồng chí cũng vậy, đều hết sức bình dị, sử dụng qua mấy chục năm.

Vị Bí thư Hà Nội giản dị trong ký ức cán bộ giúp việc- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chúc Tết bà con nhân dân Thủ đô tại đền Ngọc Sơn dịp Xuân Đinh Dậu 2017 (Ảnh: Duy Linh).

Tất cả đều thể hiện một ý thức, tác phong giản dị, quần chúng, rất dễ gần. Khi tiếp xúc cũng vậy, không phải vì có sự quen biết, gần gũi trong công việc nhiều năm, mà mọi người gặp đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đều cảm nhận sự gần gũi, thân mật, chân tình.

Ông Phạm Quang Nghị cho biết, Tổng Bí thư sinh ra, lớn lên và phần lớn quá trình công tác ở Thủ đô.

Trong giai đoạn đất nước và Thủ đô tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, đồng chí Nguyễn Phú Trọng với vai trò Phó bí thư Thường trực Thành ủy, sau đó là Bí thư Thành ủy đã đóng góp dấu ấn quan trọng giúp cho Hà Nội luôn làm tròn vị trí, vai trò là trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, khoa học, giáo dục và giao lưu quốc tế.

"Có lẽ ít ai hiểu về Hà Nội hơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì hiểu rõ Thủ đô nên những chỉ đạo, định hướng của đồng chí cho Thủ đô sau này cũng rất sâu sát, chỉ nói riêng về sự quan tâm của đồng chí đối với phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội là rất sâu sắc, toàn diện, thể hiện rõ tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn", ông Nghị cho biết

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.