Thế giới giao thông

Vì đâu Thai Airways bên bờ vực phá sản?

20/05/2020, 05:41

Thông tin Thai Airways - hãng hàng không quốc gia Thái Lan chấp chới bên bờ vực phá sản khiến thế giới giật mình.

img
Hãng hàng không quốc gia Thái Lan xin bảo hộ phá sản, tái cơ cấu

Quyết định khó khăn

Thông tin gây sốc liên quan đến Thai Airways được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha công bố vào chiều qua (19/5). Bản thân ông Chan-ocha cũng thừa nhận: “Đây là quyết định rất khó khăn”.

Kế hoạch xin bảo hộ phá sản và tái cơ cấu cho Thai Airways sẽ được thực hiện để thay thế cho một gói cứu trợ, vay nợ chính phủ trước đó. “Chính phủ đã đánh giá tất cả các khía cạnh… Chúng tôi quyết định kiến nghị tái cơ cấu và không để Thai Airway phá sản. Hãng sẽ tiếp tục vận hành”, Thủ tướng Thái Lan nói.

Việc cho phép hãng bay này tái cấu trúc doanh nghiệp là quyết định đau lòng và nhạy cảm đối với đất nước Chùa Vàng, đồng thời là bước đi cứng rắn của Chính phủ Thủ tướng Prayuth. Bởi từ lâu, Thai Airways gắn liền với sự phát triển thần tốc của ngành công nghiệp du lịch quan trọng của Thái Lan và là nhãn hiệu quốc gia. Nhà vua Maha Vajiralongkorn từng là phi công được đào tạo với bằng cấp lái máy bay thương mại. Còn Hoàng hậu Suthida từng là tiếp viên hàng không của Thai Airways.

Động thái này được đưa ra sau nhiều năm hãng hàng không quốc gia Thái Lan liên tiếp thua lỗ cũng như Chính phủ bị chia rẽ quan điểm khi một số bộ trưởng đồng ý cứu hãng với khoản cho vay trị giá 54 tỷ bath (tương đương 1,7 tỷ USD).

Financial Times dẫn nguồn tin giấu tên từ chính phủ cho hay: “Người dân không muốn bơm thêm tiền trong khi không thể nhận lại được sự tái cơ cấu rõ ràng”.

“Giọt nước làm tràn ly”

Thực chất, việc hãng hàng không quốc gia của đất nước Chùa Vàng đi đến bước đường này không hoàn toàn là do dịch bệnh.

Để ngăn chặn Covid-19 lây lan, Thái Lan đã bắt đầu cấm gần như tất cả các chuyến bay thương mại tới nước này vào cuối tháng 3, khiến hàng loạt máy bay của Thai Airways phải dừng hoạt động và hơn 20.000 nhân viên phải ở nhà, nhận 1 phần lương.

Nhưng đại dịch Covid-19 chỉ là giọt nước làm tràn ly vì Thai Airways đã gặp khó khăn từ trước đó bởi nhiều nguyên nhân như không thể theo kịp những dịch vụ cùng dàn máy bay của các đối thủ. Ngoài ra là việc quyết định vận hành một số chuyến trên các tuyến không mang lại lợi nhuận và đồng bath tăng giá.

Hãng bay Thái Lan đã báo thua lỗ ròng 12 tỷ bath vào năm 2019 và Giám đốc điều hành Sumeth Damrongchaitham buộc phải từ chức hồi tháng 3 vừa rồi.

Những câu hỏi xoay quanh tương lai của Thai Airways đã khiến thị trường nợ nội địa của Thái Lan sôi sục trong vài ngày gần đây khi hãng này còn tồn tại khoản nợ khoảng 6,5 tỷ bath phải đáo hạn trong năm nay. Đầu tuần này, cổ phiếu của hãng đã giảm 15% khi có thông tin chuẩn bị phá sản.

Nhận định về tiến trình tái cơ cấu Thai Airways, chuyên gia về luật phá sản Vicha Mahakul cho biết: Hãng bay này là một doanh nghiệp Nhà nước và Bộ Tài chính Thái Lan sở hữu 51% cổ phần nên sẽ phê chuẩn và khởi động các tiến trình. Theo luật Thái Lan, các bên cho vay, người vay và các cơ quan Nhà nước có thể khởi động tiến trình tái cơ cấu.

“Kế hoạch khôi phục sẽ phải vạch rõ, làm thế nào để làm sống lại doanh nghiệp này và đề xuất một nhân sự có năng lực vào vị trí người lập kế hoạch mà tất cả các bên đều chấp thuận”, ông Vicha nói thêm và nhấn mạnh, điểm quan trọng nhất chính là chọn người đứng đầu.

Công đoàn Thai Airways cho biết, họ đã đồng ý với những bước đi này. “Chúng tôi đồng ý với kế hoạch này, tòa án sẽ không thiên vị… Những kế hoạch tái cơ cấu trước đó không thành công vì chịu ảnh hưởng chính trị quá nhiều”, Chủ tịch Công đoàn Nares Peung-yaem cho biết và nói thêm, công đoàn sẽ không đồng ý với bất cứ kế hoạch nào giảm cổ phần của chính phủ xuống dưới 51%.

Câu chuyện của Thai Airways là điển hình cho xu hướng khó khăn của hàng không trên toàn cầu sau dịch bệnh. Không riêng Thai Airways, rất nhiều hãng hàng không khác trên thế giới vốn chao đảo vì phải dừng bay do dịch Covid-19, đều đang tìm kiếm những gói cứu trợ hàng chục tỷ USD.
Tháng này, Avianca - hãng hàng không quốc gia của Colombia đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ. Trong khi đó, Virgin Australia - hãng bay lớn thứ 2 tại Australia cũng xin phá sản vào tháng 4 sau khi không được đảm bảo khoản cứu trợ 904 triệu USD của chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.