Đường sắt

Vì sao đề xuất quy hoạch 15 ga đường sắt hiện hữu?

21/02/2024, 06:30

Tư vấn vừa đề xuất quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế, là cơ sở mở rộng quy mô, đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải.

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn vì sao trong số này không có các ga lớn như Hà Nội, Sài Gòn…

Quy hoạch 15 ga, mở rộng quy mô, diện tích

Liên danh tư vấn Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) và Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC-JSC) vừa trình Cục Đường sắt VN Báo cáo giữa kỳ Quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế (quy hoạch ga).

Vì sao đề xuất quy hoạch 15 ga đường sắt hiện hữu?- Ảnh 1.

Ga Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Qua rà soát, dự báo nhu cầu tương lai, Tư vấn đề xuất quy hoạch 15 ga gồm: Đồng Đăng, Yên Trạch (Lạng Sơn), Kép, Sen Hồ (Bắc Giang), Ninh Bình (Ninh Bình), Khoa Trường (Thanh Hóa), Vinh, Nghi Long (Nghệ An), Đông Hà (Quảng Trị), Kim Liên (Đà Nẵng), Diêu Trì (Bình Định), Nha Trang, Vĩnh Trung (Khánh Hòa), Tháp Chàm, Cà Ná (Ninh Thuận).

Lý giải cho đề xuất này, đại diện Tư vấn lập quy hoạch cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phải đủ năng lực đáp ứng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn (gấp 2,3 lần so với hiện trạng năm 2019) và 21,5 triệu khách đối với đường sắt quốc gia (gấp 2,7 lần so với hiện trạng năm 2019).

Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu này, ngoài cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường sắt, cần quy hoạch để tăng năng lực thông qua của các ga đường sắt quốc gia, đặc biệt là đối với các ga trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế.

Tuy nhiên, hiện Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt VN tiến hành lập ba quy hoạch có tính chất kĩ thuật chuyên ngành khác (Quy hoạch các tuyến và ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội, TP.HCM; Quy hoạch tuyến và ga của tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) nên tư vấn chỉ đề xuất đưa vào quy hoạch các ga quan trọng trên 4 tuyến đường sắt hiện có: Tuyến Hà Nội - TP.HCM, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng trên hành lang Bắc - Nam, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trên hành lang Đông - Tây (chưa có trong ba quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành).

Đơn cử, ga Sài Gòn - ga đầu mối về hành khách, các ga Sóng Thần, An Bình là đầu mối về hàng hóa đã được đưa vào quy hoạch khu đầu mối TP.HCM. Tương tự, ga Hà Nội, tổ hợp ga Ngọc Hồi trong quy hoạch khu đầu mối Hà Nội; Ga Lào Cai, ga Hải Phòng trong quy hoạch tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cũng theo Tư vấn, tiêu chí xác định nhóm 15 ga được đề xuất ưu tiên lập quy hoạch giai đoạn trong năm 2024 gồm: Là ga đầu, cuối tuyến; Ga có chức năng liên vận quốc tế hoặc có tiềm năng trở thành ga liên vận quốc tế; Ga có kết nối hoặc có định hướng kết nối cảng biển, cảng thủy nội địa; Ga có nhu cầu hành khách, hàng hóa lớn với vị trí đầu mối khu vực hoặc nằm trong đô thị lớn.

Việc lập quy hoạch các ga đường sắt này để tiếp tục cải tạo, mở rộng các ga đường sắt kết nối với đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị, đồng thời cụ thể hóa vào quy hoạch tỉnh để đảm bảo thống nhất đối với phương án sử dụng đất, kết nối giao thông hay để kết hợp quy hoạch quỹ đất thích hợp khu vực ga để phát triển các đô thị, các khu chức năng (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông - TOD).

Thông tin thêm, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, chỉ quy hoạch một số ga trên các tuyến đường sắt hiện hữu. Như tuyến Hà Nội - TP.HCM hiện hữu sẽ tập trung quy hoạch các ga hàng hóa, kết nối các nguồn hàng vì sau này sẽ chủ yếu chạy tàu khách khu đoạn phục vụ hành khách chặng ngắn và tàu hàng.

Còn các hành lang mới như đường sắt tốc độ cao, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ 1.435mm, Hà Nội - Đồng Đăng khổ 1.435mm... sẽ không chú trọng quy hoạch ga cũ.

"Khi có tuyến đường sắt mới, lợi thế của tuyến đường sắt cũ sẽ bị hạn chế bớt. Do đó, sẽ phân tích luồng hàng, luồng khách để phân bổ giữa tuyến cũ, tuyến mới, nếu nhu cầu tuyến cũ ít sẽ không tập trung quy hoạch đầu tư ga", ông Cảnh nói.

Cũng theo Tư vấn, 15 ga đề xuất đưa vào quy hoạch đều là những ga có nhu cầu vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa cao. Trong đó, xây dựng mới hai ga Nghi Long, ga Vĩnh Trung, 13 ga còn lại chủ yếu mở rộng quy mô, diện tích.

Ga Nghi Long là ga xây mới tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, khai thác cả hàng hóa và hành khách; Định hướng thành ga đầu mối có nhánh kết nối với cảng Cửa Lò.

Ga Nha Trang sẽ được giữ nguyên tổ chức vận tải cho tới năm 2030, sau đó sẽ di dời chức năng hàng hóa ra ga Vĩnh Trung (xây mới).

Cơ sở để giữ đất, kêu gọi đầu tư

Cục trưởng Cục Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh cho biết, quy hoạch sẽ định hướng quy mô chi tiết từng ga. Việc xác định ga nào đưa vào lập quy hoạch chi tiết căn cứ trên nhu cầu chung: Các tuyến cũ phải cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận tải từng thời điểm; Giữ được quỹ đất để phát triển mở rộng ga sau này.

Vì sao đề xuất quy hoạch 15 ga đường sắt hiện hữu?- Ảnh 2.

Ga Kép, Bắc Giang.

"Hiện, Tư vấn mới hoàn thành báo cáo giữa kỳ, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các tỉnh, cơ quan, đơn vị. Đến bước hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, mới đề xuất nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch theo thứ tự ưu tiên đầu tư và giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, quy hoạch chính là cơ sở để đầu tư sau này, có thể lập dự án đầu tư riêng các ga, hoặc có thể đầu tư ga trong dự án tuyến", ông Cảnh nói.

Ông Cảnh cũng cho hay, hiện Tổng công ty Đường sắt VN đang lập đề án đầu tư, khai thác các ga, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để được tự đầu tư, khai thác hoặc gọi vốn, liên kết đầu tư. Với quy hoạch ga, Tổng công ty sẽ có được số liệu dự báo, thực tiễn khai thác, các phương pháp tính toán, từ đó xác định được chuẩn xác hơn các ga xin đầu tư, khai thác.

Theo ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, để xác định đưa ga nào vào quy hoạch phải đặt trong tổng thể chung toàn mạng lưới và định hình được nguồn khách, nguồn hàng.

Ga nào định khai thác vận chuyển hàng của khu công nghiệp, phải làm rõ khu vực tiêu thụ của họ ở đâu, vận chuyển đến đâu. Cùng đó, phải tính đến phương án kết nối thuận lợi để giảm bớt chi phí vận hành, chi phí logistics, vận tải có tính cạnh tranh với các phương thức khác.

Để thực hiện được quy hoạch, tư vấn phải đề xuất được chính sách quản lý của Nhà nước, trong đó hướng đến thúc đẩy phương thức vận tải chi phí logistics rẻ, thân thiện môi trường, giảm tai nạn giao thông.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.