Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc cho biết, theo Nghị định 159/2018 của Chính phủ và Thông tư 35/2019 của Bộ GTVT, từ năm 2020, công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải với hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định (khoán gọn) sẽ được áp dụng.
Theo đó, công tác nạo vét toàn tuyến luồng liên tục trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng chứ không phải là thực hiện nạo vét một lần đến chuẩn tắc thiết kế như hiện tại.
Trên cơ sở hệ thống pháp luật được ban hành, Tổng công ty đã làm việc với các cấp chức năng để xem xét triển khai duy tu, nạo vét tuyến luồng hàng hải Hải Phòng theo hình thức khoán gọn năm 2020 để “xóa bỏ” tình trạng luồng liên tục cạn trong thời gian qua.
“Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 35/2019 của Bộ GTVT, khối lượng nạo vét duy trì chuẩn tắc luồng được tính toán là khối lượng trung bình hàng năm, trên cơ sở các số liệu khảo sát thông báo hàng hải định kỳ, số liệu đo đạc bàn giao mặt bằng công trình và số liệu đo đạc nghiệm thu nạo vét duy tu của tuyến luồng trong khoảng thời gian tối thiểu 3 năm gần nhất.
Đối với tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, năm 2017 do vướng mắc về vị trí tiếp nhận chất nạo vét nên không triển khai thi công duy tu, nạo vét luồng. Như vậy chỉ có đủ số liệu theo dõi trong năm 2018 và 2019 mà thiếu số liệu duy tu năm 2017.
Bên cạnh đó, việc hoàn thành nạo vét hạ độ sâu và đưa vào khai thác đoạn luồng Lạch Huyện vào giữa năm 2018 làm thay đổi đột biến độ sâu đoạn luồng ngoài từ cao độ khoảng -7,2m xuống đến -14,0m (hải đồ), thay đổi lớn về điều kiện dòng chảy sông, dòng chảy do thủy triều chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến diễn biến sa bồi của các đoạn luồng lân cận”, ông Đức nói và cho biết, vì những lý do trên, hình thức “khoán gọn” chưa thể áp dụng với luồng Hải Phòng.
Cũng theo ông Đức, ưu điểm lớn nhất của “khoán gọn” là tuyến luồng sẽ luôn được liên tục duy trì bảo đảm chuẩn tắc, hoàn toàn loại trừ việc hiện tượng sa bồi sẽ làm chuẩn tắc tuyến luồng suy giảm từ sau khi kết thúc nạo vét đến khi bắt đầu nạo vét đợt tiếp theo.
“Về mặt thủ tục, công tác nạo vét sẽ được hoàn tất các thủ tục chuẩn bị một lần, sau đó nhà thầu sẽ thi công liên tục đến hết thời gian thực hiện hợp đồng trong khoảng 2 - 3 năm. Các năm tiếp theo sẽ không phải thực hiện lại các thủ tục phê duyệt thiết kế dự toán, đánh giá tác động môi trường, lựa chọn nhà thầu, đo đạc bàn giao mặt bằng”, ông Đức cho hay.
Được biết, năm 2015 và 2016, luồng tàu vào Hải Phòng là một trong hai tuyến luồng (cùng với luồng Sài Gòn - Vũng Tàu) đã được thí điểm thực hiện nạo vét theo cơ chế "khoán gọn" theo quyết định 73/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý.
Tuy vậy, Quyết định 73 chỉ cho phép thí điểm “khoán gọn” từ năm 2015 - 2016 nên Bộ GTVT đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ cho xây dựng và ban hành Nghị định 159/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Trong đó, có đề cập đến việc tổ chức thực hiện nạo vét duy tu theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định thực hiện từ năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận