Theo thông tin từ Tập đoàn Hoa Sen, Quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ, Tập đoàn Hoa Sen không thuộc danh sách các doanh nghiệp bị áp thuế chống lẩn tránh đối với thép chống ăn mòn và thép cán nguội.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Theo đó, DOC cho phép Tập đoàn Hoa Sen tham gia quy trình chứng nhận các lô hàng tôn mạ và thép cán nguội xuất khẩu vào thị trường Mỹ mà không sử dụng thép nền từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan thì sẽ không bị áp thuế chống lẩn tránh.
Tập đoàn Hoa Sen cho biết, nhóm sản phẩm tôn và thép dày mạ là nhóm sản phẩm chủ lực, đóng góp 73% cơ cấu sản lượng tiêu thụ Tập đoàn.
Hiện tại, sản lượng xuất khẩu đi Mỹ của Tập đoàn chiếm khoảng 4% doanh thu và lợi nhuận của niên độ và nguồn nguyên liệu chủ yếu là của Formosa Việt Nam.
DOC quyết định áp thuế theo các mức như : Nếu lô hàng thép trên xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng bị áp mức thuế lên đến 456% (mức thuế Mỹ đang áp dụng với thép Trung Quốc). Nếu doanh nghiệp chứng minh nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan sẽ bị áp thuế tương ứng của Hàn Quốc (29,4% với thép CORE; 24,2% với thép CRS) và Đài Loan (10,34% với thép CRS).Nếu các doanh nghiệp chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước/vùng lãnh thổ ngoài ba nguồn trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (không phải nộp thuế).
Tập đoàn Hoa Sen khẳng định không sử dụng thép nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc. Đồng thời, cung cấp các tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra theo yêu cầu của DOC một cách rất minh bạch. Tập đoàn Hoa Sen vẫn đang xuất khẩu các đơn hàng vào thị trường Mỹ bình thường
Theo báo cáo từ tập đoàn Hoa Sen, xuất khẩu thép năm 2018 bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các cuộc xung đột thương mại và chính sách bảo hộ sản xuất, mà điển hình là việc các thị trường xuất khẩu lớn áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép, phá giá tiền tệ… xuất khẩu và Mỹ ngày càng khó khăn do các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo hộ sản xuất nội địa từ các Quốc gia nhập khẩu thép và tình hình tỷ giá biến động không ổn định.
Trước đó, ngày 16/12/2019 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế chống lẩn tránh, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS) được sản xuất tại Việt Nam, sử dụng thép nền là thép cán nóng, thép cán nguội từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Mức thuế chống lẩn tránh cao nhất được Mỹ xác định lên đến 456,2%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận