Vợ chồng em trai dính chàm vì lừa bảo kê xe
Trong vụ án bảo kê xe vi phạm qua Trạm cảnh sát giao thông Suối Tre (Đồng Nai) mà Viện KSND tỉnh Đồng Nai vừa truy tố có bị can Hoàng Hiệp (49 tuổi) từng công tác trong lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và cũng từng là cộng tác viên của một tạp chí. Hiệp bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, Hiệp công tác trong lực lượng cảnh sát giao thông từ năm 2004 đến năm 2011 thì xuất ngũ. Đến năm 2016, Hiệp làm cộng tác viên một tạp chí nhưng vào tháng 7/2021 đã nghỉ làm cộng tác viên.
Năm 2021, Hiệp thành lập Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Bảo Trâm đóng tại đường Nguyễn Hộc, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Công ty này do bị can Hiệp làm giám đốc. Kế đó, Hiệp còn mở Trạm dừng chân, dịch vụ trung chuyển hàng hóa Công ty Bảo Trâm cũng tại tỉnh Hà Tĩnh.
Quá trình điều hành hoạt động của công ty và trạm dừng chân, dịch vụ trung chuyển, Hiệp thuê em ruột là Hoàng Thanh Sỹ làm quản lý trạm dừng chân. Ngoài ra Hiệp còn thuê em dâu là Tạ Thị Thu Trà (vợ của Sỹ) làm kế toán trưởng công ty. Mỗi tháng Hiệp trả cho Sỹ, Trà mỗi người 10 triệu đồng.
Tại cơ quan công an, bước đầu Hiệp khai bản thân thành lập Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Bảo Trâm là để kinh doanh dịch vụ vận tải. Khi các nhà xe ký hợp đồng với công ty của Hiệp sẽ được hưởng các điều khoản như tư vấn về nghề nghiệp vận tải đường bộ, sửa chữa, làm lốp lưu động, hỗ trợ các dịch vụ tại trạm dừng chân, tắm xe, tắm heo, cứu hộ…
Các nhà xe muốn hưởng các dịch vụ trên phải ký hợp đồng với công ty của Hiệp và mỗi tháng phải đóng cho công ty 5 triệu đồng/xe. Sau đó Hiệp cho các xe này dán logo Công ty Bảo Trâm trên kính xe để nhận diện.
Tuy nhiên qua điều tra, cơ quan công an xác định, do từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải, Hiệp biết được tâm lý của các chủ xe và tài xế khi đi trên các tuyến quốc lộ thường chịu sức ép từ chủ hàng về thời gian, tải trọng và chi phí vận tải nên không tránh khỏi vi phạm giao thông. Đồng thời các xe này còn thường xuyên bị cảnh sát giao thông kiểm tra xử phạt.
Vì vậy Hiệp tung tin bản thân có mối quan hệ quen biết với nhiều cảnh sát giao thông ở các tỉnh để bảo kê xe vi phạm. Để tạo niềm tin cho chủ xe, tài xế, Hiệp đã thành lập công ty và trạm dừng chân để che đậy hành vi bán logo, thu tiền của các nhà xe để hứa hẹn đứng ra làm luật, cứu các xe vi phạm giao thông từ Ninh Bình đến Đồng Nai.
Hiệp hứa hẹn các xe được Hiệp bảo kê sẽ không bị phạt hoặc bị phạt với lỗi nhẹ hơn. Còn việc dán logo Công ty Bảo Trâm, Hiệp giải thích với các chủ xe, lái xe là để làm tín hiệu cho cảnh sát giao thông dễ nhận biết là xe của Hiệp đã làm luật nên không dừng xe kiểm tra hoặc sẽ bỏ qua các lỗi vi phạm.
Để chuyên nghiệp hơn, Hiệp còn lập nhóm Zalo để đưa các nhà xe, tài xế vào nhóm, tiện thông tin qua lại về các vị trí đang có cảnh sát giao thông lập chốt nhằm né tránh…
Tiền các chủ xe, tài xế nộp, Hiệp nhận qua tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc công ty. Ngoài ra Hiệp còn giao trọng trách thu tiền cho vợ chồng Sỹ và Trà sau đó các bị can này sẽ phải chuyển lại cho Hiệp.
Để có được logo của công ty Hiệp, các tài xế, chủ xe phải ký vào bản hợp đồng dịch vụ vận tải do Sỹ đưa, sau đó Sỹ mới giao logo để dán lên các xe. Tổng số tiền Sỹ trực tiếp nhận của các chủ xe, tài xế từ 50 - 70 triệu đồng/tháng.
Riêng Trà được giao nhiệm vụ thống kê xe ký hợp đồng, ngưng hợp đồng và nhắc đóng "hụi" hằng tháng. Tổng số tiền trong một tháng Trà nhận từ các nhà xe, tài xế dao động là từ 190 - 400 triệu đồng. Số tiền Trà nhận của các nhà xe cho đến khi Trà nghỉ việc tại công ty (cuối tháng 9/2022) là khoảng 3 tỷ đồng.
Khi bị điều tra, vợ chồng Sỹ, Trà cũng thừa nhận biết rõ việc Hiệp thành lập công ty Bảo Trâm, Trạm dừng Bảo Trâm để thu tiền của các chủ xe, tài xế là tiền do các chủ xe, tài xế tin tưởng việc Hiệp hứa hẹn bảo kê xe. Việc vợ chồng Sỹ giúp Hiệp là do muốn sớm lấy lại số tiền 350 triệu đồng trước đó cho Hiệp vay và cũng được trả lương hằng tháng.
Tài xế không được hưởng lợi khi đóng tiền cho Hiệp
Cơ quan cảnh sát đã chứng minh tổng số tiền các bị Hiệp, Sỹ và Trà đã chiếm đoạt của các nhà xe là khoảng 900 triệu đồng. Riêng Sỹ và Trà được Hiệp trả công 10 triệu đồng/tháng nên cả hai cùng thu lợi 120 triệu đồng.
Tài xế Phan Văn V khai đã ký hợp đồng và đóng 5 triệu đồng cho Hiệp. Tuy nhiên có hai lần xe của anh V bị kiểm tra tại tỉnh Khánh Hòa và Thanh Hóa, V gọi cho Hiệp nhờ can thiệp nhưng Hiệp không nghe máy và xe vẫn bị xử phạt bình thường. Tài xế này còn khai dù đã chi tiền cho Hiệp nhưng khi vào trạm dừng nghỉ Bảo Trâm để ăn uống thì vẫn phải trả tiền, không được hưởng lợi bất kỳ dịch vụ nào.
Tương tự tài xế Nguyễn Văn H khai, sau khi nghe đồn Hiệp bảo kê được xe từ Bắc vào Nam nên đã liên hệ để gửi gắm. Hiệp hứa hẹn sẽ lo cho H lỗi quá tải và tốc độ, riêng các lỗi khác Hiệp không bảo kê,… Sau đó H đóng tiền cho Hiệp thì được cho vào nhóm, tuy nhiên sau nhiều lần xe bị kiểm tra, xử lý, liên hệ với Hiệp không được nên H rút lui, không còn nhờ Hiệp.
Ngoài ra, nhiều tài xế khác đều khai chỉ chung chi cho Hiệp vài ba tháng do không thấy hiệu quả, khi gặp chuyện liên lạc Hiệp đều né tránh, không nghe máy. Vừa phải chung chi cho Hiệp vừa bị xử lý vi phạm nên nhiều người đã rút lui, không đóng tiền gửi gắm xe cho Hiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận