Những năm qua, độ bao phủ của xe buýt đã tăng lên mạnh mẽ, chất lượng phương tiện được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, tỷ lệ hành khách tham gia loại hình vận tải công cộng này vẫn khá khiêm tốn.
Kỳ 1: Tiếp cận khó, đợi lâu, di chuyển chậm
Thống kê cho thấy, xe buýt Hà Nội hiện mới chỉ đảm nhiệm 8,7% nhu cầu đi lại của người dân. Con số này thậm chí còn thấp hơn cả 10 năm trước, khi tỷ lệ khách đi xe buýt đã đạt mức trên 2 con số (12%).
Quá nhiều rào cản
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông trong những ngày cuối tháng 11, hầu hết các phương tiện tham gia vào mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội đều khá mới và hiện đại trong cách thức vận hành (tự động thông báo điểm đến, phủ sóng wifi...). Có điều, rất khó để bắt gặp những chuyến xe đông đúc như trước đây. Khách đi xe chủ yếu là người già, sinh viên và học sinh.
Có mặt tại điểm dừng xe buýt tại ngã ba Kim Giang (185A Nguyễn Trãi), PV chứng kiến nhiều hành khách phải “dài cổ” ngóng xe. Theo ghi nhận của PV, khi chuyến trước mang BKS 29B-624.24 đi qua, phải gần 20 phút sau, xe tiếp theo mang BKS 29B-624.07 mới vượt dòng ùn tắc “bò” tới. Cùng thời điểm, một số hành khách đi xe buýt tuyến 21A cũng phải chờ khoảng 15 - 20 phút mới được đi lượt tiếp theo.
Chia sẻ với PV trên chuyến buýt số 02 mang BKS 29B-205.40, ông Nguyễn Văn Hồng, người dân sống tại đường Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) cho biết, thời gian tới, có thể ông sẽ phải “chia tay” xe buýt.
“Với người già như tôi, đi xe buýt là an toàn nhất. Tuy nhiên, muốn đi xe, tôi phải đi bộ gần 700m mới tới điểm dừng. Đến nơi thì cũng chẳng có chỗ ngồi chờ, đợi xe lâu thấy khá bất tiện”, ông Hồng nói.
Là một người thường xuyên đi làm bằng xe buýt trên quãng đường 8km, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật cũng cho rằng việc người dân phải đi bộ khá xa mới tiếp cận được xe buýt là nguyên nhân khiến nhiều người “ngại” sử dụng loại hình này.
“Ước tính, thời điểm hiện tại, một chuyến đi dùng xe buýt ở Hà Nội gồm: Thời gian đi bộ từ nhà đến điểm xe buýt 5 - 7 phút, chờ xe buýt đến từ 5 - 10 phút, thời gian ngồi trên xe buýt khoảng 30 phút. Đến nơi phải đi bộ thêm 5 - 10 phút. Tổng thời gian không thể nhanh hơn ô tô hay xe máy nên người dân lựa chọn phương tiện cá nhân là điều dễ hiểu”, TS. Bình nói.
Phải lưu thông với tốc độ chậm
Thừa nhận những bất cập trên, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết: Hà Nội hiện có hơn 3.800 điểm dừng xe buýt nhưng hiện chỉ có 361 điểm có nhà chờ.
Khoảng cách trung bình giữa các điểm dừng khoảng 1,1km. Nếu phân theo khu vực, trong nội thành, tỷ lệ người dân tiếp cận xe buýt với cự ly dưới 500m đạt khoảng 80%. Nhưng, con số này chỉ đạt khoảng 30% tại ngoại thành.
Theo ông Phương, song song với việc tiếp cận, tính đúng giờ cũng là yếu tố tiên quyết để thu hút người dân lựa chọn xe buýt. Song, tính đến nay, ngoài tuyến buýt nhanh BRT 01 đảm bảo được tần suất di chuyển (tốc độ khoảng 20km) nhờ có làn đường riêng, các tuyến buýt khác vẫn thiếu ổn định về thời gian do phải lưu thông trong làn đường hỗn hợp với tốc độ chỉ khoảng 15km/h, chậm hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2013 khi tốc độ bình quân của xe buýt đạt 23km/h.
Đến thời điểm hiện tại, mạng lưới xe buýt Hà Nội gồm 126 tuyến, phủ sóng đến toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. So với 5 năm trước, mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt tăng hơn 27%, mức độ bao phủ tăng hơn 15%. Mặc dù vậy, tỷ lệ đảm nhận nhu cầu vận tải của người dân của xe buýt hiện chỉ dừng lại ở mức 8,7%.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT nhận định, tỷ lệ này được đánh giá còn thấp hơn cả 10 năm về trước (năm 2010 đạt khoảng 12%).
Khách đã vắng còn bị nợ tiền trợ giá
Ông Thái Hồ Phương cho biết, trong khi các nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang loay hoay tìm cách “kéo” người dân trở lại với xe buýt thì “cú sốc” Covid-19 ập tới.
Do dịch bệnh, có thời điểm xe buýt phải dừng chạy cả tháng (từ 28/3 - 22/4). Tính đến nay, sản lượng VTHKCC của xe buýt chỉ đạt hơn 300 triệu lượt hành khách, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Phía TCT Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, do tác động của dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, khách đi vé lượt chỉ đạt 73% so với kế hoạch, khách vé tháng đạt 72,1% so với kế hoạch và bằng 58,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tây cũng đã phải “kêu cứu” trước nguy cơ phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 72 (BX Yên Nghĩa - Xuân Mai) do thu không đủ bù chi.
Gánh nặng Covid-19 chưa dứt, 7 doanh nghiệp xe buýt (TCT Vận tải Hà Nội, Công ty CP Xe khách Hà Nội, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh, Chi nhánh Công ty TNHH Bắc Hà, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, Công ty CP Vận tải Newway, Công ty CP Xe điện Hà Nội) lại thêm nỗi lo khi phải “còng lưng” trả lãi vay ngân hàng trong thời gian chờ được thanh toán khoản tiền trợ giá ước tới 200 tỷ đồng trong quý I/2020.
Đơn cử, tại Công ty CP Xe điện Hà Nội, mỗi tháng, hơn 140 xe buýt của doanh nghiệp này vận chuyển cả vài trăm nghìn lượt hành khách đi lại trên 8 tuyến buýt được đặt hàng.
Thống kê cho thấy, ngoài chi phí của doanh nghiệp, mỗi tháng TP Hà Nội sẽ phải trợ giá (cho người dân để giảm giá vé xe buýt) khoảng 16 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, đến giờ, Hà Nội vẫn chưa chi trả cho doanh nghiệp khoản tiền này.
Theo TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Đại học Việt - Đức, khó khăn về tài chính đang khiến xe buýt Hà Nội rơi vào vòng luẩn quẩn. “Lượng khách giảm, trợ giá không tăng, những tuyến ít khách sẽ bị giãn tần suất. Khi đó, thời gian chờ xe lâu hơn, đi lại bất tiện hơn, khách sẽ lại bỏ xe buýt nhiều hơn”, TS. Tuấn phân tích.
Mỗi năm trợ giá 1.300 tỷ đồng, khách vẫn sụt giảm
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2015 - 2019, Hà Nội đã đầu tư mới hơn 1.100 xe buýt. Thông qua tổ chức đấu thầu 68 tuyến buýt, đầu năm 2020, mạng lưới xe buýt Hà Nội cũng đã thay mới được 139 phương tiện. Đoàn phương tiện xe buýt tại Hà Nội hiện có “tuổi đời” trung bình 3,6 năm và không còn phương tiện trên 10 năm. Trung bình mỗi năm thành phố trợ giá khoảng 1.300 tỷ đồng cho xe buýt.
Từ cuối năm 2019 đến nay, mạng lưới xe buýt Hà Nội có sự sụt giảm đáng kể về sản lượng hành khách và doanh thu. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng hành khách xe buýt đạt 163,3 triệu lượt, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu đạt 213,6 tỷ đồng, giảm 43,4%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận