Gần hết năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa được thanh toán khoản trợ giá từ quý đầu năm...
Vay ngân hàng cả trăm tỷ đồng để duy trì dịch vụ buýt
“Rất nhiều khó khăn” là cụm từ được ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội chia sẻ khi trao đổi với PV Báo Giao thông về hoạt động của các DN kinh doanh vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Phương là do các DN chưa được thanh toán kinh phí trợ giá thực hiện quý I/2020 với 68 tuyến buýt.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các DN đang phải “è cổ” trả nợ lãi vay ngân hàng chờ ngày được thanh toán khoản tiền trợ giá ước tới vài trăm tỷ đồng.
Tại Công ty CP Xe điện Hà Nội, mỗi tháng, hơn 140 xe buýt của DN này vận chuyển cả vài trăm nghìn lượt hành khách đi lại trên 8 tuyến buýt được đặt hàng. Thống kê cho thấy, ngoài chi phí của DN, mỗi tháng TP Hà Nội sẽ phải trợ giá (cho người dân để giảm giá vé xe buýt) khoảng 16 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, đến giờ, Hà Nội vẫn chưa chi trả cho DN khoản tiền này.
“Để việc đi lại của hành khách không bị gián đoạn, chúng tôi phải vay ngân hàng 50 tỷ đồng. Cứ ngỡ sau vài tháng sẽ được thanh toán, tuy nhiên, đến cuối tháng 11 vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực nào”, đại diện CTCP Xe điện cho hay.
Công ty CP Xe điện Hà Nội chỉ là 1 trong 7 đơn vị đang phải đối mặt với tình trạng trên. Lãnh đạo các DN như: TCT Vận tải Hà Nội, Công ty CP Xe khách Hà Nội, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh, Chi nhánh Công ty TNHH Bắc Hà, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến, Công ty CP Vận tải Newway cũng đang “đứng ngồi không yên” vì tiền mãi chưa được thanh toán, mà lãi ngân hàng chưa tháng nào được thiếu.
Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm, các DN xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỷ đồng.
“Với lãi suất từ 7 - 8%/năm, nếu thành phố và các bộ ngành có liên quan không sớm tháo gỡ, nguy cơ sụp đổ, dừng chạy của nhiều tuyến buýt Hà Nội sẽ xảy ra”, ông Thông e ngại.
Vướng cơ chế, doanh nghiệp dài cổ “ngóng”
Lý giải việc chậm trả của UBND TP Hà Nội, ông Phương cho hay, thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, 68 tuyến buýt đang thực hiện đặt hàng năm 2019 phải chuyển sang hình thức đấu thầu trong năm 2020.
Do phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lựa chọn và dự thầu với nhiều bước, tiến độ gấp, khối lượng công việc lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, để đảm bảo dịch vụ vận tải hành khách công cộng được liên tục, UBND TP Hà Nội cho phép 68 tuyến buýt tiếp tục hoạt động ổn định, bình thường từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2020 (đến khi lựa chọn được nhà thầu theo quy định).
Ông Phương thông tin thêm, hiện UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu thanh toán cho các đơn vị đảm bảo theo đúng quy định hiện hành. Sau khi được được UBND thành phố và liên ngành chấp thuận và hướng dẫn, Trung tâm sẽ thành toán cho các đơn vị theo đúng quy định.
“Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành tham mưu thành phố có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù đối với Hà Nội đồng thời chủ động đề xuất, báo cáo UBND thành phố cho phép thanh quyết toán kinh phí trợ giá xe buýt quý I/2020 đối với 68 tuyến”, ông Phương cho hay.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Hà Nội sau đó đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 32 trên địa bàn TP Hà Nội.
Cho ý kiến về đề xuất này của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Việc một số lĩnh vực dịch vụ công ích trên địa bàn TP Hà Nội chuyển từ phương thức đặt hàng sang đấu thầu nhưng chưa thể hoàn thành đấu thầu trước ngày 31/12/2019 là chậm so với quy định, đề nghị rút kinh nghiệm”.
Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Hà Nội sử dụng trong phạm vi dự toán chi năm 2020 của thành phố để thanh toán các chi phí cho đơn vị cung ứng dịch vụ công trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến khi có kết quả trúng thầu theo mức giá không cao hơn giá đã thực hiện đặt hàng theo hợp đồng năm 2019 và giá trúng thầu năm 2020.
Trong khi chờ cơ quan chức năng đưa ra những quyết định cuối cùng, các DN xe buýt vẫn đang phải “è cổ” trả nợ ngân hàng, nhất là khi “khó càng thêm khó” vì dịch Covid-19 đã khiến sản lượng khách sụt giảm chóng mặt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận