DN nào đáp ứng đầy đủ các quy định về phá dỡ tàu cũ mới được xét tham gia Ảnh: Hoài Lâm |
Bộ GTVT vừa xem xét báo cáo giữa kỳ Quy hoạch chi tiết các cơ sở phá dỡ tàu biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, cần xây dựng quy hoạch “mở”, DN nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của pháp luật về vấn đề phá dỡ tàu cũ mới được xét tham gia.
“Quan điểm của Chính phủ với việc nhập tàu cũ về phá dỡ, chỉ nhằm giải quyết công ăn việc làm, tận dụng cơ sở sẵn có của công nghiệp đóng tàu trong nước. Quan trọng hơn là tạo cơ hội tiếp tục duy trì ngành Công nghiệp đóng tàu trong giai đoạn khó khăn. Do đó, quy định tại Nghị định chỉ cho phép DN Việt Nam có 100% vốn đầu tư trong nước được nhập tàu cũ về phá dỡ. Hơn nữa, chỉ những DN đã có đủ điều kiện cơ sở vật chất, năng lực phá dỡ mới được cấp phép”, Thứ trưởng Công nói.
"Việc cấp phép cho các cơ sở nhập tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, nhằm tận dụng các cơ sở vật chất đang có của các nhà máy đóng tàu đang dư thừa công suất trong khi thị trường đóng tàu chưa khởi sắc trở lại, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Song cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về môi trường”. Thứ trưởng Bộ GTVT |
Theo cơ quan Tư vấn lập Quy hoạch - Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), lập quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu cũ, sẽ căn cứ vào những vị trí mà khảo sát về môi trường không bị ảnh hưởng. Cùng đó luồng lạch thuận lợi, tận dụng cơ sở vật chất, nhân lực của các nhà máy đóng tàu hiện có đang bị dư thừa, chứ không cho xây dựng nhà máy mới. Phó tổng giám đốc CMB Lê Tấn Đạt cho biết, với những dữ kiện đề bài như trên, qua khảo sát thực tế, tư vấn xác định quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu cũ sẽ tập trung tại khu vực Hải Phòng và một số tỉnh miền Trung.
Cụ thể, tới năm 2020 có thể xác định 7 cơ sở, gồm có 5 nhà máy ở Hải Phòng là: Phà Rừng, Nam Triệu, Bạch Đằng, XNCK Quang Trung, Nosco - Vinalines và hai nhà máy ở miền Trung là Bến Thủy, Dung Quất. Tới năm 2030, căn cứ theo chính sách của Chính phủ, nếu có mở rộng thêm sẽ có bốn cơ sở nữa được đưa vào quy hoạch gồm hai nhà máy Thịnh Long, Hoàng Vinh ở Nam Định và hai cụm công nghiệp Tân Trào, Quang Phục ở Hải Phòng.
Các nhà máy này, theo khảo sát của CMB, có thể phá dỡ được tàu lớn tới 100 nghìn DWT, tổng năng lực phá dỡ tới trên 1,5 triệu DWT/năm giai đoạn 2020, trên 2,3 triệu DWT/năm giai đoạn 2030.
Theo tư vấn, để đưa các cơ sở phá dỡ tàu cũ vào hoạt động khai thác, phải đảm bảo 8 thủ tục về môi trường là: Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMC); Được cấp Giấy xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; Lập Kế hoạch bảo vệ môi trường đối với từng con tàu phá dỡ; Được cấp Giấy chứng nhận phù hợp Quy chuẩn quốc gia về môi trường đối với tàu biển nhập khẩu; Giấy đăng ký chủ nguồn thải nguy hại; Giấy xin phép xả nước thải vào nguồn nước; Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; Giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 140001.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Môi trường Bộ GTVT Ngô Kim Định, 100% các DN muốn làm phá dỡ tàu cũ phải lập lại Báo cáo ĐMC, phải có Giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 140001, phải đảm bảo thực hiện các quy định của Thông tư 12 về xử lý chất thải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận