Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. |
Liên quan đến sự việc nhiều người lợi dụng việc phản ứng Luật Đặc khu để tụ tập đông người tại một số địa phương như Bình Thuận, TP.HCM, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 11/6, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: "Lực lượng công an làm hết sức mình và có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự".
Trưởng ban Dân nguyện: "Sẽ lắng nghe hơn nữa ý kiến người dân"
Về việc Quốc hội dừng thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), cũng trao đổi với báo chí sáng 11/6, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian qua, bà cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến Luật Đặc khu, Quốc hội cũng đã hết sức thận trọng lắng nghe, cân nhắc nhiều mặt.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội |
Việc hơn 80% ĐBQH đã bấm nút quyết dừng thông qua Luật đặc khu cho thấy, các ĐBQH đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và những hoạt động của Quốc hội cũng được người dân rất quan tâm.
Theo bà Hải, việc người dân quan tâm đến những vấn đề Quốc hội đang thảo luận, đặc biệt là những bộ luật có ảnh hưởng lớn tới những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, đó là điều rất tự nhiên, thể hiện trách nhiệm của công dân, người dân với sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện cho rằng có rất nhiều kênh, nhiều cách thể hiện khác nhau, như qua các kênh phản ánh kiến nghị, qua tiếp xúc cử tri, qua các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Ngoài ra, người dân khi có ý kiến có thể gửi trực tiếp đến đại biểu Quốc hội do mình bầu ra, có thể gửi tới các cơ quan như Ban Dân nguyện, đây sẽ là nơi tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân để truyền tải tới Quốc hội, tới các cơ quan có trách nhiệm và từ trước đến nay, công việc đấy vẫn diễn ra hết sức hiệu quả và được cử tri đánh giá rất cao.
Đang hoàn thiện dự thảo Luật biểu tình
Chia sẻ quan điểm, bà Hải cho rằng việc thể hiện mong muốn nguyện vọng của dân rất chính đáng, nhưng hình thức biểu hiện không nên gây ảnh hưởng tới những hoạt động thông thường. Ví dụ như việc tụ tập đông người ở TP.HCM ngày hôm qua đã gây cản trở, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên một số địa bàn, điển hình như ở sân bay Tân Sơn Nhất, khiến rất nhiều hành khách bị lỡ chuyến bay.
“Qua sự việc này, chúng tôi cũng thấy cần đẩy mạnh hơn nữa việc lắng nghe ý kiến của người dân thật hiệu quả để có thể đáp ứng hết nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, tránh xảy ra trường hợp như thời gian qua. Đây cũng là vấn đề chúng tôi sẽ tham gia trong thời gian tới”, bà Hải cho hay.
Liên quan đến dự án Luật Biểu tình đang được xây dựng và đến thời điểm này vẫn chưa được trình ra Quốc hội, theo bà Hải, dự án này là hiện thực hóa quy định Hiến pháp, tuy nhiên điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng.
“Tôi nhận thấy thời gian qua các cơ quan tổ chức đã rất quan tâm, đang hoàn thiện chất lượng dự thảo để đảm bảo đáp ứng nguyện vọng của người dân, hiện thực hóa quan điểm của Hiến pháp một cách chính xác nhất”, bà Hải nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận