Đột ngột khám xét tàu
Theo đó, các đặc vụ liên bang Mỹ đã bất ngờ lên tàu Maersk Saltoro, do Tập đoàn Synergy Marine quản lý để khám xét.
Tập đoàn này cũng là chủ quản tàu Dali đã đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore (bang Maryland) hồi tháng 3, gây thiệt hại nghiêm trọng.
“Cục Điều tra Liên bang, Phòng Điều tra Hình sự của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Cơ quan Điều tra của Lực lượng Tuần duyên hiện đang có mặt trên tàu Maersk Saltoro để tiến hành hoạt động thực thi pháp luật đã được tòa án ủy quyền", FBI và Văn phòng Luật sư Mỹ tại bang Maryland tuyên bố.
Tuy nhiên các cơ quan chức năng không cung cấp thêm thông tin cụ thể.
Ông Darrell Wilson, người phát ngôn của công ty Grace Ocean, chủ sở hữu tàu Dali, xác nhận FBI và Lực lượng Tuần duyên đã lên tàu Maersk Saltoro tại cảng Baltimore. Con tàu này cũng mang cờ Singapore giống tàu Dali và cũng được Tập đoàn Hyundai chế tạo vào năm 2015.
Vài tháng trước, nhóm điều tra cũng đã tiến hành cuộc khám xét tương tự đối với tàu Dali.
Bộ Tư pháp Mỹ quyết đấu tranh mạnh mẽ
Cuộc khám xét diễn ra trong bối cảnh Bộ Tư pháp Mỹ vừa cáo buộc chủ sở hữu tàu Dali là công ty Grace Ocean và đơn vị chủ quản Synergy Marine đã liều lĩnh cắt giảm chi phí bảo dưỡng, bỏ qua các vấn đề phát sinh đối với hệ thống điện trên tàu.
Cụ thể, Bộ Tư pháp cho rằng các bộ phận cơ khí và hệ thống điện trên con tàu khổng lồ lại chỉ được sửa chữa tạm bợ và không được bảo dưỡng đúng cách, trong khi nhiều khoản chi phí phục vụ tàu bị cắt giảm mạnh.
Ngoài ra, các vấn đề nghiêm trọng về hệ thống điện của tàu Dali có thể xuất hiện từ việc tàu rung quá mạnh làm lỏng các dây kết nối. Trước đó vào tháng 5/2023, khi báo cáo với Công ty Synergy Marine, một thuyền trưởng của tàu Dali cũng báo cáo tình trạng tàu rung động mạnh tương tự.
Ngoài ra, theo thông tin điều tra ban đầu, một số thiết bị trong phòng máy có dấu hiệu hư hỏng trong khi hệ thống điện đang ở tình trạng tồi tệ đến mức một cơ quan độc lập đã dừng kiểm nghiệm do lo ngại vấn đề an toàn.
Thậm chí ngay khi đang neo đậu ở cảng Baltimore, con tàu cũng xảy ra sự cố mất điện nhưng lại không được báo cáo cho Lực lượng Tuần duyên Mỹ theo đúng quy định.
Bộ Tư pháp khẳng định những hành động trên đã dẫn đến hậu quả tàu mất điện, hệ thống lái dừng hoạt động. Do đó thủy thủ không thể kiểm soát tàu, dẫn đến đâm sập cầu Francis Scott Key gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản hồi tháng 3 vừa qua.
Trong đó có 6 công nhân bảo trì đã thiệt mạng khi cây cầu sập. Giao thông đường bộ và đường hàng hải qua khu vực cửa sông Patapsco dẫn vào cảng Baltimore bị đình trệ, rối loạn suốt hơn 2 tháng kể từ khi xảy ra vụ sập cầu.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đề nghị hai công ty chi trả 100 triệu USD (khoảng 2.400 tỷ đồng), trước mắt để bù đắp cho các hoạt động phản ứng của cơ quan chức năng khi sự cố chết người xảy ra, cũng như bồi thường chi phí dọn dẹp đống đổ nát kéo dài nhiều tháng để khôi phục hoạt động tại cảng Baltimore.
Bộ Tư pháp cho rằng cần có biện pháp hạn chế đối với chủ sở hữu và đơn vị điều hành tàu bởi họ vẫn đang tiếp tục vận hành các tàu hàng trên vùng biển nước Mỹ và hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế này.
Các công ty này đã đệ đơn lên tòa án, tìm cách hạn chế tối đa trách nhiệm pháp lý trong vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên. Tuy nhiên các quan chức Bộ Tư pháp khẳng định sẽ đấu tranh mạnh mẽ, đảm bảo họ phải chịu đầy đủ trách nhiệm liên quan đến vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận