Được về nhà sau 3 tháng kẹt trên tàu
Mới đây, tờ CNN đưa tin các luật sư đại diện chính quyền TP. Baltimore (bang Maryland, Mỹ) và chủ sở hữu, đơn vị quản lý tàu hàng Dali đã đạt được thỏa thuận vào tối muộn ngày 19/6, cho phép một số thủy thủ sớm được trở về với gia đình sau 3 tháng mắc kẹt trên tàu để phục vụ điều tra.
Theo các tài liệu trình lên Tòa án Maryland (Mỹ), 8 trong tổng số 21 thủy thủ được trở về nhà, sớm nhất là từ ngày 20/6.
Trước đó vào ngày 18/6, luật sư đại diện chủ sở hữu và quản lý con tàu đã gửi thư đến luật sư đại diện chính quyền TP Baltimore, cho biết Cảnh sát biển Mỹ đã cho phép 8 thành viên thủy thủ đoàn gồm đầu bếp, thợ lắp máy và thợ dầu được phép bay về nhà, dự kiến sớm nhất trong tuần này.
Phía công ty sở hữu tàu Dali là Grace Ocean cho biết thêm, Bộ Tư pháp Mỹ đã thẩm vấn những người này và không phản đối nếu nhóm nhân viên nêu trên rời khỏi Mỹ.
8 người sẽ được hộ tống trực tiếp từ con tàu đến sân bay trước khi rời khỏi Baltimore, dự kiến vào ngày 20/6.
Tranh cãi việc cho phép 8 thủy thủ về nhà
Tuy nhiên, một số luật sư ngay lập tức nêu ra những rủi ro nếu cho phép các những người này trở về nhà.
"Thủy thủ đoàn hoàn toàn là người nước ngoài, những người chắc chắn hiểu rõ về sự cố trên và các vấn đề kiện tụng. Nếu các họ rời khỏi Mỹ, nguyên đơn có thể không bao giờ có cơ hội thẩm vấn, lấy lời khai", ông Adam Levitt, luật sư đại diện cho TP. Baltimore, cho biết và yêu cầu tổ chức phiên tòa khẩn cấp.
Đáp lại yêu cầu trên, Thẩm phán Tòa án James Bredar đã ra lệnh tổ chức phiên tòa khẩn cấp vào sáng 20/6 để nghe ý kiến các luật sư mỗi bên về vấn đề này.
Tuy nhiên đến tối 19/6, các luật sư đại diện chủ sở hữu, quản lý tàu Dali và nhóm luật sư đại diện TP Baltimore đã đạt được thỏa thuận về các điều khoản lấy lời khai đối với 8 thành viên thủy thủ đoàn nói trên.
Theo thỏa thuận, nhóm thuyền viên này sẽ không bắt buộc phải ở lại Baltimore và sẽ lấy lời khai ở London (Anh) hoặc một nơi khác được thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các bên tham gia kiện tụng. Các phiên lấy lời khai này sẽ diễn ra sau tháng 11 năm 2024.
Ngoài ra, công ty sở hữu tàu Grace Ocean và công ty quản lý Synergy Marine phải cung cấp các tài liệu theo hồ sơ tòa án, bao gồm hồ sơ nhân sự, hợp đồng lao động và hồ sơ đào tạo. Luật sư đại diện cho hai công ty đã đồng ý với các điều khoản trên.
Với thỏa thuận này, TP Baltimore đã đề nghị tòa án rút lại yêu cầu tổ chức phiên tòa khẩn cấp. Tuy nhiên, thẩm phán cho biết phiên tòa vẫn diễn ra vì thỏa thuận chưa được tất cả các bên chính thức chấp thuận.
Có thuyền viên sang chấn tâm lý vì mắc kẹt dài ngày trên tàu
Trước đó sáng sớm 26/3, tàu Dali treo cờ Singapore đã mất điện, đâm sập cầu Francis Scott Key khiến 6 người tử vong.
Thuỷ thủ đoàn gồm 21 người trong đó có 20 người Ấn Độ và 1 người Sri Lanka, đã bị mắc kẹt trên tàu kể từ đó đến nay để phục vụ điều tra.
Theo các bên liên quan, lý do tạm giữ các thủy thủ trên tàu suốt 3 tháng trước hết là vì quy định hàng hải quốc tế yêu cầu các tàu phải có người điều hành túc trực. Trong đó, những tàu khổng lồ như Dali dài tới 300m, trọng tải 106.000 tấn cần được trông coi, giám sát liên tục, ngay cả khi tàu không chuyển động.
Ngoài phải tuân thủ quy định hàng hải và yêu cầu điều tra, thủy thủ đoàn còn không thể đặt chân lên đất Mỹ do thị thực đã hết hạn.
Nỗi sợ bắt đầu bao trùm con tàu khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ập lên, tịch thu điện thoại di động của các thủy thủ vào ngày 15/4.
Theo ghi nhận của phóng viên CNN vào tháng 5, nhiều thuyền viên sợ hãi, hoảng loạn, có trường hợp còn bị sang chấn tâm lý khi bị kẹt trên tàu mà không biết ngày nào mới được trở về nhà và áp lực sợ phải đối mặt với mức án hình sự.
Thực tế đến nay chưa có thủy thủ nào bị buộc tội liên quan đến sự cố kinh hoàng trên nhưng chính quyền Mỹ vẫn đang điều tra để xác định ai chịu trách nhiệm chính cho vụ việc.
Vào tháng trước, ông Gwee Guo Duan, Trợ lý Tổng thư ký Hiệp hội Sĩ quan Hàng hải Singapore đã đề nghị Mỹ cho phép các thủy thủ không phục vụ điều tra được phép xuống tàu, tạm trú trên đất liền để giảm bớt căng thẳng tinh thần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận