Trắng tay sau ngập lụt
Một tuần sau cơn bão số 3 và trận lũ lụt lịch sử xảy ra, những cánh đồng hoa ở xã Mỹ Tân, TP Nam Định - vựa hoa lớn nhất tỉnh hoang tàn, đổ nát.
Thẫn thờ bên khu vườn hoa cúc rộng gần 1ha khô héo như cỏ cháy ông Phan Văn Thuyên (sinh năm 1974, trú thôn Bình Dân, xã Mỹ Tân, TP Nam Định) cho biết, gia đình ông có 2,5 mẫu vườn, trong đó có 1,5 mẫu chủ yếu là hoa cúc đang chuẩn bị cho thu hoạch, gần một mẫu dơn giống.
"Để có vườn dơn, cúc này, là số vốn của gia đình và người thân đầu tư cả vào. Ai cũng mong vựa hoa có một mùa bội thu nhưng sau cơn bão số 3 và lũ lụt, giờ chẳng còn gì ngoài cánh đồng cháy và gánh nợ hiện hữu", ông Thuyên than.
Theo ông Thuyên, dự tính mỗi sào hoa sẽ thu được 40 triệu đồng, nên lũ lụt khiến ông mất trắng 600 triệu đồng.
"Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa, chưa năm nào tôi thấy lụt lội như này, giờ thì trắng tay rồi", ông Thuyên thở dài.
Bà Trần Thị Tuyết (41 tuổi, trú tại thôn Hồng Hà 1, xã Mỹ Tân) cũng cho hay: Gia đình tôi trồng 1,5 mẫu hoa cúc, sau trận lụt này chẳng còn gì, thiệt hại khoảng hơn 400 triệu đồng.
"Nước lên nhanh quá, diện tích hoa sắp được cắt bán cũng không kịp thu hoạch để vớt vát phần nào. Lứa hoa này tiền phân bón, thuốc sâu tôi vẫn còn đang nợ. Giờ không chỉ mất vốn, mà còn không có nguồn thu nhập để trang trải cho những tháng tiếp theo", bà Tuyết nghẹn lời.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Bùi Văn Tuyết (trú tại thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân) chia sẻ, gia đình ông trồng 7 sào hoa cúc, hơn 400 cây tùng la hán, cây mộc... Toàn bộ đều bị ngập úng không thể cứu vãn, thiệt hại khoảng 400-500 triệu đồng.
Cũng theo ông Tuyết, phần lớn các hộ dân trồng hoa ở vùng Hồng Hà đều bị thiệt hại tương tự, chưa tính tài sản trong nhà bị hư hỏng do ngâm nước nhiều ngày.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết, xã có 2 vùng trồng hoa là Hồng Long và Hồng Hà. Do 3 mặt giáp sông Hồng nên khi nước dâng cao, gần như các thôn xóm tại đây đều bị ảnh hưởng, có nhà ngập sâu gần 2m.
Không chỉ nhà cửa, đời sống sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng, toàn bộ kế sinh nhai của hầu hết người dân nơi đây là các vườn trồng hoa cũng bị nhấn chìm trong biển nước.
"Xã Mỹ Tân có trên 250ha trồng hoa, nằm ở cả trong khu dân cư và ngoài bãi ven sông Hồng. Riêng vùng Hồng Hà (gồm thôn Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2) là vùng chuyên canh hoa, chủ yếu là hoa cúc. Diện tích canh tác hoa tại đây là khoảng 150ha, đều bị ngập trắng trong biển nước", ông Lệ thông tin.
Chờ chính sách hỗ trợ
Theo ông Phan Văn Thuyên, chi phí đầu tư cho mỗi vụ hoa cúc không nhỏ. Cũng như gia đình ông, nhiều hộ phải vay mượn để đầu tư cho vụ hoa này, nhưng chưa kịp thu hoạch, tất cả đã bị nước cuốn trôi, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình.
Để có thể canh tác trở lại, người dân sẽ phải chờ khi nước rút, sau đó xới đất, chờ đất khô. Nhanh thì khoảng hơn 10 ngày đất khô là có thể xuống giống trồng lại. Tuy nhiên, việc khôi phục lại vườn hoa cũng không hề dễ dàng do toàn bộ diện tích vùng trồng đã bị hư hỏng, không còn nguồn cúc giống.
"Nguồn cúc giống giờ chỉ còn lại ở một số hộ trong đê chính. Giờ chỉ mong nước nhanh rút để làm đất, sau đó xoay xở tiền mua giống xuống đồng mới kịp vụ mới. Sau trận lụt này, cúc giống khan hiếm giá sẽ rất cao. Nếu giá giống cao quá, tôi đành giâm cây chờ mầm rồi mới tái sản xuất được. Làm theo cách này mất thời gian hơn, khoảng gần 3 tháng và sẽ bị lỡ vụ Tết sắp tới", ông Thuyên chia sẻ.
Bà Đinh Thị Hồng (trú tại thôn Hồng Hà 1, xã Mỹ Tân) kể, gia đình bà trồng gần 1,5 mẫu hoa cúc, trong đó hơn một nửa là cúc giống để vừa phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình, còn lại để bán. Tuy nhiên, bão lũ đã thiệt hại toàn bộ.
"Với diện tích trồng hoa lớn mà bà con đều thiệt hại thế này, tôi nghĩ sau nước rút, nguồn cung giống sẽ khan hiếm, giá cao, nếu cố trồng sẽ không có lãi. Đành chờ chính sách hỗ trợ của địa phương, giúp người dân chúng tôi yên tâm tái sản xuất", bà Hồng mong mỏi.
Hiện tại, người dân tại vùng trồng hoa lớn nhất Nam Định đối mặt với nguy cơ thiếu vốn để tái đầu tư cho các vụ hoa tiếp theo, khi những khoản nợ đọng phân bón, thuốc trừ sâu... chưa được trả. Nhiều hộ rất cần được hỗ trợ về giống, phân bón, vốn vay ưu đãi để sớm khôi phục sản xuất.
Theo thống kê của UBND tỉnh Nam Định, tính đến ngày 13/9, ước thiệt hại do bão, lụt trên địa bàn tỉnh là hơn 563 tỷ đồng. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là sản xuất nông nghiệp với 18.102ha lúa, 3.800ha diện tích rau màu bị thiệt hại.
Trước những thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các ngành, thành phố, các huyện tập trung chỉ đạo các biện pháp để khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất, giúp người dân sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận