Vỡ tiến độ vì vướng mặt bằng
Ngày 14/10, đồng loạt các nhà thầu thi công Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (gọi tắt là dự án nâng cấp QL7) phải cắm biển cảnh báo với nội dung "Lái xe chú ý tốc độ, đoạn đường hẹp chưa được mở rộng do vướng mặt bằng".
Kỹ sư Nguyễn Xuân Huy, Chỉ huy công trường của nhà thầu Minh Tuấn, cho biết: "Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 4), huyện Diễn Châu đều nhiều lần cam kết bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tuy nhiên, 2 tháng nay, chúng tôi chỉ nhận được khoảng 150m mặt bằng trước nhà dân thuộc đất hành lang đường bộ. Trong tổng số 3,5km đơn vị thi công, chúng tôi đã làm xong 1,8km, phần còn lại đang vướng đất ở của dân, chưa biết đến khi nào địa phương mới bàn giao được".
Cũng theo ông Huy, nhiều tháng chờ đợi, kỹ sư, công nhân ngồi chơi, máy móc để không khiến các nhà thầu thua lỗ hàng trăm triệu.
Để giảm thiểu thiệt hại, hầu hết các nhà thầu trên tuyến QL7 đoạn Km0 - Km5 (huyện Diễn Châu) đã phải rút máy, điều động kỹ sư, công nhân đi công trường khác.
Duy chỉ còn các đơn vị thi công cầu vượt đường sắt là đang thi công. Việc này khiến tuyến đường trở nên nham nhở, nhiều đoạn thắt cổ chai.
Từ sau ngày 2/9/2023, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu được thông xe, lưu lượng phương tiện đổ dồn về QL7 (từ Km0 - Km5) ngày một đông, khiến tuyến đường thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ.
Ở những đoạn còn vướng mặt bằng, các phương tiện phải lưu thông trên mặt đường cũ hẹp, khi xe ô tô to tránh nhau phải đi ra ngoài lề tạo thành ổ gà nguy hiểm.
Mặc dù các nhà thầu thi công đã thường xuyên trám, vá đảm bảo giao thông nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Số vốn nhà nước bố trí cho dự án năm 2023 là 419,6 tỷ đồng. Đến nay, phần xây lắp đã giải ngân 203/276 tỷ đồng, đạt 73% (đã trừ ứng). Phần giải ngân cho GPMB ở huyện Diễn Châu 3,1/50 tỷ đồng (chỉ đạt 6,28%); huyện Yên Thành 0/50 tỷ đồng (đạt 0%); huyện Đô Lương: 0/43 tỷ đồng (đạt 0%).
Anh Nguyễn Mạnh Hiếu (sinh sống ở ngã tư Diễn Châu) lắc đầu ngao ngán: "Xe đông mà đường thi công cầm chừng, do các đoạn còn vướng mặt bằng. Bụi bặm chưa nói, mỗi lần đi xe máy, xe đạp qua những nút thắt là tim đập chân run vì lúc nào cũng có ô tô tải đi ngay sát. Lo nhất là các cháu học sinh, lỡ có chuyện gì thì biết phải làm thế nào?".
Theo tìm hiểu của PV, dự án nâng cấp QL7 được khởi công từ tháng 10/2022, thời gian hoàn thành dự án là vào năm 2024, riêng đoạn từ Km 0 - Km5 (ngã tư Diễn Châu lên nút giao cao tốc) phải hoàn thành trong năm 2023.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và khai thác đồng bộ cùng tuyến cao tốc, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu hoàn thành đoạn này trong tháng 7/2023. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng ở huyện Diễn Châu mà mốc tiến độ trên đã không thể thực hiện được.
Hết năm vẫn khó xong
Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành dự án, Ban QLDA4, lo lắng: "Hiện nay, cao tốc đã đưa vào khai thác, áp lực giao thông lên đoạn tuyến này ngày càng lớn. Trong khi đó, mặt bằng xôi đỗ, các địa phương nhất là huyện Diễn Châu bàn giao mặt bằng chậm. Nhiều tháng nay chúng tôi chỉ nhận thêm được khoảng 400m đất nông nghiệp; Không được nhận thêm bất cứ mét mặt bằng có đất ở nào".
Trước mắt, Cục Đường bộ VN và Ban chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công hoàn thiện những đoạn đã được bàn giao mặt bằng để phương tiện lưu thông. Đối với những đoạn nút thắt do vướng mặt bằng thì cắm biển cảnh báo để người tham gia giao thông hạn chế tốc độ, phòng ngừa tai nạn. Cũng là để người dân hiểu, không cứ nghĩ chúng tôi thi công cầm chừng.
"Ngoài ra, với tình hình mặt bằng như hiện nay, nguy cơ dự án chậm tiến độ và phải xin gia hạn là rất lớn. Đó là còn chưa kể đến việc nhà thầu bị thua lỗ, Ban cùng với các địa phương bị phê bình vì không hoàn thành giải ngân vốn theo kế hoạch", ông Châu nói.
Theo thống kê, đến thời điểm này các địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 41,781/55,156km (đạt 75,75%) tính cả trái và phải tuyến.
Các đoạn còn lại đều vướng vào đất ở của người dân nên gặp khó. Đa phần các huyện mới hoàn thành được bước trích đo. Phần kiểm đếm tài sản và thông báo thu hồi đất chưa thực hiện xong vì người dân có khiếu nại.
Lãnh đạo huyện Diễn Châu cho biết, công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo QL7 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Hiện, huyện vẫn đang rất nỗ lực triển khai.
Về nguyên nhân chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, UBND huyện Diễn Châu cho rằng, có nhiều vướng mắc do lịch sử để lại.
Cụ thể, do thời gian trước đây, đa số các hộ dân được giao đất ra tận chân đường QL7 cũ. Đến khi cấp sổ đỏ, Nhà nước chỉ cấp phần đất sau khi trừ hành lang ATGT, dẫn đến diện tích trong sổ đỏ nhỏ hơn diện tích theo giấy tờ giao đất ban đầu.
Người dân đề nghị được đền bù đúng với diện tích được giao trước đây và kiến nghị nâng giá đền bù cho sát giá thị trường.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An và các huyện vẫn đang từng bước tháo gỡ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, việc này phải thực hiện theo đúng trình tự, các quy định của pháp luật nên thời gian phải kéo dài hơn dự kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận