Chính trị

“Vượt gió ngược” và khát vọng phồn vinh

10/02/2024, 07:18

Vinh quang của ngày mai đang đòi hỏi chúng ta phải phát huy cao nhất trí tuệ và tình cảm, ý chí và tài năng phục vụ cho đất nước. Trong hành trình ấy, càng những lúc khó khăn, chúng ta càng thấm thía những lời dạy của Bác hơn bao giờ hết.

Vượt khó nhờ tự lực, tự cường

Di sản tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam để lại có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc.

“Vượt gió ngược” và khát vọng phồn vinh- Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc (ảnh tư liệu).

Đặc biệt, những di sản đó đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nhắc tới một khía cạnh trong toàn bộ di sản đồ sộ đó, là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sở dĩ vậy vì nhìn lại thời gian qua, nhất là năm 2023, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song đất nước ta đã vượt qua được, tự tin hướng tới năm 2024 với những kỳ vọng lớn hơn.

Nhìn lại năm 2023, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, vì sao kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu? Nói cách khác, làm cách nào chúng ta đã vượt được qua "cơn gió ngược"?

Trước hết cần khẳng định đó là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân.

Thành quả đó đã thể hiện rất rõ ý chí tự lực, tự cường của cả dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế; nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Đó còn là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện để ứng biến trước các khó khăn thách thức, đưa ra những giải pháp phù hợp và kịp thời để từng bước hóa giải.

Đặc biệt, ý chí tự lực, tự cường còn được thể hiện qua việc chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân như Bác đã dạy.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, "Nhân dân" là phạm trù cao quý nhất. Người nói: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". "Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được".

Giữa bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, vượt xa mọi dự báo, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong năm qua là rất đáng tự hào.

Nhìn lại những gì chúng ta đã phải đối mặt, càng thấm thía hơn những lời Bác dạy: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên".

Phát huy truyền thống đại đoàn kết

Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước Người đã mang khát vọng lớn lao: Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Người khẳng định: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Mong ước ấy của Người giờ đây đã trở thành hiện thực. Và không chỉ có thế, chúng ta hôm nay còn vươn tới một cuộc sống ngày càng văn minh, ngày càng hiện đại, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm lập nước.

Đất nước ta, nhân dân ta đã trải qua biết bao khó khăn, vượt qua muôn ngàn thử thách để đạt được những thành tựu như hôm nay.

Và trên con đường đưa đất nước tới phồn vinh, hạnh phúc, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Nhất là khi thời đại ngày nay đứng trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ số.

Trí tuệ của con người đang hằng ngày, hằng giờ đạt đến những thành tựu chưa từng có trong lịch sử. Và hằng ngày, hằng giờ nó đem lại những biến đổi lớn lao trong cuộc sống của cả nhân loại.

Dân tộc ta, ngoài truyền thống yêu nước và bất khuất, còn một điểm mạnh khác mà không phải dân tộc nào cũng có. Đó là thông minh và sáng tạo, là truyền thống hiếu học…

Điều này là cơ sở vững chắc để nhân dân ta tiếp thu những thành tựu mới nhất của nhân loại, luôn có những suy nghĩ, đổi mới và sáng tạo để rút ngắn con đường phát triển, đưa Việt Nam nhanh chóng vươn lên hàng ngũ các nước tiên tiến của thế giới.

Bên cạnh đó, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, luôn được tỏa sáng, phát huy trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước rất vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII cũng đã xác định rõ, trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện thực hóa khát vọng phồn vinh

Nói một cách khái quát, hiện thực khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp.

Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân; Phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực, có chính sách hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài. Luôn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp; Không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của nước khác.

Trong bối cảnh thế giới phát triển phụ thuộc lẫn nhau, lợi ích quốc gia, dân tộc là nhân tố quyết định để mỗi quốc gia, dân tộc tham gia vào các mối quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế thành công. Ngoài tiềm lực kinh tế, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tộc là chỗ dựa và điều kiện căn bản, cốt lõi để mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế.

Thực tiễn nhiều thập kỷ đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện một cách sinh động ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta. Những thành tựu của công cuộc đổi mới là nền tảng quan trọng giúp chúng ta củng cố niềm tin, sự quyết tâm, nỗ lực, tiếp tục thúc đẩy con đường đi lên của dân tộc.

Hơn lúc nào hết, cần phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc làm động lực cho sự phát triển trong giai đoạn phát triển mới.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.