Bác Hồ tự đánh máy các bài viết của mình tại Chiến khu Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
Tại một cuộc gặp gỡ anh chị em phóng viên các báo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, Bác dặn rằng, viết khó hơn nói rất nhiều, phải thượng tôn sự thật, phải viết sự thật bằng cái đầu của mình.
Phản ánh sự thật
Bác chỉ là nhà cách mạng chuyên nghiệp - Bác bảo vậy khi một số người cứ hay gọi Bác là “nhà” này, “nhà” nọ. Công cụ đắc lực nhất của nhà cách mạng chuyên nghiệp Hồ Chí Minh chính là báo chí.
Bác bảo rằng: “Báo của ta là báo của nhân dân, phải nói thật với nhân dân. Thổi phồng khó khăn làm dân sợ, dân hoang mang là sai, là không tốt".
Nhưng ngược lại, nói quá dễ dàng, tưởng để động viên, nhưng khi dân thấy sự thật không đúng như thế, dân không tin ta nữa, không xem báo nữa! Báo không còn tác dụng nữa thì gọi là báo “lá cải” vì nó không có giá trị bằng lá rau cải. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu kỹ thì chưa nên viết”.
Nhân bất thập toàn. Câu nói của tiền nhân quả không sai.
Bản thân Bác có lúc mắc phải sai sót trong viết báo nhưng đã nghiêm túc nhận lỗi để sửa. Điều này, ngay cả ở lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bác cũng đã bày tỏ quan điểm rằng: Một Đảng giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng; một Đảng thừa nhận khuyết điểm của mình, xem khuyết điểm đó do đâu mà có rồi ra sức sửa chữa thì Đảng đó mới là Đảng chắc chắn, chân chính.
Thế mới có chuyện: Trong bài đăng báo Nhân Dân, số 2946, ngày 17/4/1962, bút danh T.L., đầu đề “Cần phải ra sức trồng nhiều hoa màu”, ở cuối bài báo này, Bác viết: “Xin lỗi - Trong báo Nhân Dân (14/3/1962), dưới đầu đề “Làm thế nào cho lạc thêm vui” đúng ra là 1 tấn lạc đổi được 1,5 tấn (1 tấn rưỡi) gang. Vì để sót một dấu phẩy (,) mà viết sai thành 15 (mười lăm) tấn gang. Đó là một thái độ không nghiêm túc, cẩn thận, T.L. xin thật thà tự phê bình và xin lỗi bạn đọc”.
Một dấu phẩy nhưng làm sai nghĩa, Bác thật thà tự phê bình và thành khẩn xin lỗi bạn đọc. Cũng vì thế, Bác hay dặn các báo phải nên có một câu trang trọng ghi trên tờ báo: “Hoan nghênh bạn đọc phê bình báo”.
Nay, không ít trường hợp bài báo nào đó có sai sót thì một là người ta lờ đi, không đính chính; hai là đổ lỗi cho “người đánh máy”; ba là không xin lỗi bạn đọc. Sai sót là chuyện dễ thấy, nhưng điều quan trọng nhất là ở chỗ phải thật sự học Bác, tức là phải có dũng khí, phải thật thà, nghiêm túc, cẩn trọng.
Và, trên tất cả là phải có thái độ ứng xử có văn hóa với bạn đọc.
Ứng xử của Bác với anh chị em phóng viên cũng rất tế nhị. Có lúc bản thân Bác chính là đối tượng để các nhà báo săn tin, nhưng Bác lại chính là nhà báo, cho nên Bác hiểu tâm lý của những người trong nghề báo chí.
Khi phóng viên ảnh chụp hình Bác nhưng vào thời khắc không thuận tiện, Bác biết và có ý làm lại để cho phóng viên chụp hình được thuận tiện. Nhiều lúc Bác còn trực tiếp giúp biên tập vừa để tờ báo nào đó tuân thủ tôn chỉ, mục đích, vừa súc tích, có ý nghĩa thời cuộc, vừa hấp dẫn đối với bạn đọc.
Thời cuộc nay đã khác, loại hình báo chí phong phú hơn, nhanh nhạy hơn nhưng bản chất vấn đề không khác: Trung thực, phản ánh đúng sự thật, viết rõ, viết đúng sự thật. Đó là điểm mấu chốt nhất để phân biệt thế nào là báo chí cách mạng với yêu cầu phản ánh trung thực sự thật với loại báo lá cải đưa tin tùy tiện, không chịu trách nhiệm với bạn đọc.
Tấm gương sáng của nền báo chí cách mạng
Thời cuộc đã khác nhưng báo chí không thể không nhằm phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, tôn vinh cái đẹp, cái thiện, dẹp cái ác, cái xấu.
Thật đáng buồn khi một số nhà báo, tờ báo có lúc như “con sâu làm rầu nồi canh”, đưa những tin giật gân, thương mại hóa, xâm phạm đời tư của người khác, xuyên tạc sự thật, kích động bạo lực, vô tình cổ súy cho những hành vi phản văn hóa, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo kẽ hở để những kẻ xấu tuyên truyền lật đổ chế độ chính trị.
Đất nước Việt Nam đang rất cần trí lực, vật lực vượt bậc cho công cuộc đổi mới. Trong dòng cách mạng đó, theo gương Bác, các nhà báo của nước ta hiện nay chắc chắn sẽ phấn đấu cho sự hùng cường của đất nước. Khát vọng đó được kích hoạt từ nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh, từ nguồn cảm hứng bất tận của cuộc đời người thầy nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh.
Là nhà báo cách mạng, Bác nêu một tấm gương sáng về sự dâng hiến cho Tổ quốc.
Trong Di chúc, Bác viết về việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Việc riêng? Đúng là Bác viết về bản thân mình nhưng ý nghĩa là không riêng cho cá nhân mà là toát lên một nhân cách lớn, cao đẹp của con người suốt đời lo cho việc nước.
Bác không hối hận khi “phải từ biệt thế giới này” vì cả cuộc đời Bác hiến dâng cho sự nghiệp ba giải phóng: Giải phóng dân tộc - Giải phóng xã hội, giai cấp - Giải phóng con người.
Bác không hối hận vì tự nguyện đặt cả cuộc đời mình vào cuộc sống của nhân dân. Ngày 14/7/1969, nghĩa là chỉ một tháng rưỡi nữa thôi là mãi mãi đi xa, khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên báo Granma (của Cuba), Bác nói: “Tôi hiến dâng cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh hòa nhịp đập với trái tim của những người cần lao khát vọng giải phóng vươn lên làm chủ cuộc đời mình.
Cũng giống như khi trả lời các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946, Bác nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh - một người hai lần bị vào tù (một lần tù của thực dân Anh năm 1931 - 1932, một lần tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch năm 1942 - 1943), một lần bị án tử hình vắng mặt tại Tòa án Nam Triều năm 1929 tại Vinh (Nghệ An); một người hoạt động gian khổ, sống cuộc sống thiếu thốn về vật chất, luôn luôn bị mật thám đế quốc theo dõi, lại còn bị một số đồng chí quốc tế và trong nước hiểu nhầm, đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của cái thiện, của lẽ phải, của chính nghĩa vì luôn luôn mưu việc lớn với mục tiêu cuối cùng là góp phần giải phóng con người cần lao.
Tinh thần, thái độ và hành động phục vụ cách mạng theo quan niệm của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh, cũng tức là tinh thần làm đầy tớ, làm công bộc cho nhân dân. Bằng sự nghiệp dâng hiến cho giải phóng và chấn hưng dân tộc, Bác đã thấy thành quả là nước nhà được độc lập, nhân dân Việt Nam được sống trong chế độ chính trị do bản thân mình làm chủ, dân tộc Việt Nam đã đứng trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và sự tiến bộ xã hội. Bác đã sống với cả một cuộc đời như thế và đúng là Bác không có gì phải hối hận khi từ biệt thế giới này vào năm 1969.
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” Nxb CTQG, 2011;sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên, Nxb CTQG, 2015; sách “Chuyện kể Bác Hồ với nhân sĩ, trí thức” Nxb CAND, 2020…).
GS. TS. MẠCH QUANG THẮNG - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận