Đội 25 thanh niên xung phong mở đường Quyết Thắng - Ảnh: tư liệu |
Năm 1965, Đội 25 TNXP được giao nhiệm vụ cùng các đơn vị bạn “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Hồi ấy, đường 20 Quyết Thắng chỉ là con đường mòn nhỏ lầy lội trong rừng già Trường Sơn, giáp biên giới Việt - Lào.
Kỳ 1: Đội bom giữ đường Quyết Thắng
Tuyến đường như một mũi tên lao thẳng vào tận sào huyệt của kẻ địch. Toàn tuyến có 970 cua vòng xuyên qua hơn 40 cây số núi đá vôi; có hai con sông chui ngầm trong núi, mùa mưa ngập lũ, mùa nắng lại khan hiếm nước.
Mở đường "cuốn chiếu sâu đo"
Trong ngôi nhà khá khang trang bên cạnh vịnh Đà Nẵng, hàng ngày ông Cao Xuân Can, nguyên Phó phòng Kế hoạch tác chiến Công trường đường 20 Quyết Thắng sống thư thái với những khóm cây, chậu cảnh. Tuổi ngoài 75, vừa mới trải qua cơn tai biến hiểm nghèo, sức khỏe ông vẫn chưa ổn định. Bên chén trà đặc quánh, ông chậm rãi kể cho tôi nghe về những năm tháng ác liệt Đội 25 TNXP tham gia mở đường và giữ đường Quyết Thắng…
Nhận nhiệm vụ “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” năm 1965, Đội tổ chức thành các Đại đội thi công chủ yếu bằng tay kết hợp với bộc phá. Ông Can kể: “Toàn công trường lúc này chỉ có một máy ủi C-100 do đồng chí Vũ Tiến Đề lái. Bằng chiến thuật thi công “cuốn chiếu sâu đo” và mục tiêu “từ đỉnh cao mà xốc tới, từ những kỷ lục mới mà vươn lên”, sau một tháng, đơn vị mở được năm cây số đầu tiên, vượt tiến độ đề ra một tuần”.
Phát huy thắng lợi đó, tháng 1/1966, Đội 25 lại cùng các đơn vị bạn tiếp tục thọc sâu vươn dài. Chỉ trong vòng 100 ngày đêm, đường Quyết Thắng dài 82 cây số được khai thông. “Đây là con đường chiến lược “hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn”.
Đường thông, Đội 25 tiếp tục đảm trách nhiệm vụ đảm bảo giao thông từ K9 đến K44, với phương châm chiến lược “Địch đánh ta sửa ta đi”, “Địch đánh ta cứ đi”… Thời điểm này, địch tăng cường đánh phá. Tại trọng điểm K16 - K41, gần một tháng trời không ngày nào dứt tiếng bom. Có ngày địch đánh tới 12 trận, có đêm chúng thả gần 700 quả pháo sáng. Các Đại đội nhanh chóng đào công sự dọc tuyến, chia nhánh nhỏ thành ca kíp làm ngày làm đêm.
Ông Can nhớ ngày 13/5/1966 tại trọng điểm K41, địch đánh phá suốt từ 7h sáng đến 17h chiều. Có 5 quả bom trúng đường, hàng trăm khối đá từ trên núi cao lăn xuống tắc đường. Đêm đó, Đại đội 6 (C6) lợi dụng ánh trăng và pháo sáng tổ chức thi công khắc phục. Đơn vị chia làm hai bộ phận nạp mìn, san đất đá kết hợp với máy C-100 làm từ hai đầu trọng điểm dồn vào. Khi anh chị em thi công gần xong, chỉ còn lại một hố bom thì chiếc C-100 đột ngột chết máy. Lúc này, nếu dùng bộc phá đánh, chiếc C-100 sẽ rơi xuống vực và đường sẽ hỏng nặng. Lập tức đơn vị quyết định mở đường tránh vào phía trong để giải quyết thông đường. 5h sáng đường thông, chiếc C100 được “ngụy trang” nằm chờ sửa chữa.
Quyết tử thông đường
Đoạn đường Đội 25 phụ trách dài gần 30 cây số xuyên qua núi đất và rừng sưa. Cây cối hai bên đường trơ trụi vì bị địch rải chất độc hóa học. Trọng điểm cua chữ A dài bốn cây số (từ K78- K82) có hai cua gấp khúc gọi là A Mẹ và A Con. Kẻ địch ngày đêm đánh phá bằng B52, B57 với đủ các loại bom phá, bom bi, bom nổ chậm, rốc két… Cả khu đồi biến thành một màu đất đỏ quạch. Hai quả đồi A Mẹ và A Con luôn thay hình đổi dạng. Tính ra mỗi cây số đường ở trọng điểm này mỗi ngày đêm phải chịu ít nhất 10 tấn bom, liên tiếp như vậy trong một tuần lễ.
Với quyết tâm “Thề quyết tử cho cua chữ A quyết thông”, Đội 25 đã tổ chức đào công sự dọc tuyến, bám trận địa ứng cứu đường, sáng tạo chiến thuật lấp hố bom “3 tổ” (tổ trinh sát, tổ nạp mìn đánh đất cắt cây, tổ san và dọn đường). Chiến thuật này vừa có ưu điểm rải quân thưa, tránh thương vong, vừa đảm bảo nhanh chóng thông xe. C5 (Đội 25) còn sáng tạo cách đánh mìn định hướng và máy gạt lấp hố bom. Trước đây với khối lượng 100m3 phải mất 50 đến 60 người làm trong một đêm, nay chỉ còn một tiểu đội làm trong hai giờ.
Mặc cho kẻ địch lồng lộn trên đầu, song anh chị em C5 vẫn hăng hái làm việc. 3h sáng đường thông, đoàn xe lại vượt qua trọng điểm. Sau trận này C5 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Cuối năm 1967, Đội 25 TNXP được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. |
Tại trọng điểm này, đêm đêm các nữ TNXP C5 vai khoác súng, quàng khăn trắng sát cánh cùng nam giới sửa đường và dẫn dắt xe qua. Tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Thị Vân Liệu, liệt sỹ - Anh hùng LLVT nhân dân, người đã nhiều lần phá bom mà không làm hỏng đường. Để tránh hỏng đường, chị Liệu nảy ra sáng kiến gói thuốc nổ hình phễu, tra kíp thuận chiều, dùng áp lực của bộc phá định hướng đẩy quả bom lên mặt đất cho nổ. Thực hiện sáng kiến đó rất khó khăn và nguy hiểm, nhưng rất hiệu quả. Khi bom nổ chỉ làm hỏng một hố nông, Liệu cùng anh chị em nhanh chóng sửa đường cho xe qua trọng điểm. Học tập Nguyễn Thị Vân Liệu, C5 phá tiếp 18 quả mìn nữa, C4 phá hai quả. Cả năm 1967 rất nhiều trường hợp được xử lý như vậy.
Lật giở trang sử của Đội 25, ông Can cho hay, C5 kiên cường thực hiện nhiệm vụ ở cua chữ A máu lửa. Ngày 26/3/1967, B52 trút xuống cua chữ A, bao trùm cả khu rừng rộng chừng bốn cây số, vùi lấp máy C-100 và mấy đồng chí khác. Bom vừa dứt, đội xung kích của đơn vị lập tức có mặt, kẻ cào, người cuốc, tìm bới khẩn trương. Đường bị bom phá khá lớn, đứt từng đoạn. C5 khẩn trương lấy ống nứa độn thuốc mìn đánh đất sạt ta luy, dùng mìn định hướng đánh bạt đất xuống mép hố bom. Mặt khác vừa đánh cắt các cây cho máy C-100 thi công. Đồng chí Vũ Tiến Đề tuy bị sức ép của bom, đơn vị cho nghỉ ngơi nhưng vẫn kiên quyết xin ở lại và nói: “Thà ngậm cỏ xanh chứ không đành để đường tắc”.
Học tập C5, anh chị em C4, C6 xung phong lên cua chữ A làm việc. Đồng chí Phùng Văn Hải, B trưởng thuộc C6 đã chích tay lấy máu ký quyết tâm thư xin Đảng ủy vào cua chữ A chiến đấu. Được sự chi viện của C2 công binh, Đội 25 mở 12 km đường tránh vòng qua cua chữ A để phá thế độc đạo. Do đó, mặc cho kẻ địch đánh phá, nhưng đường vẫn thông liên tục, mỗi đêm giải phóng từ 60 đến 80 xe với khối lượng hàng gấp 8 lần năm 1966.
(Còn nữa)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận