Tài chính

Xăng dầu Hải Linh: Một thời đại gia Phú Thọ, nay nợ thuế, dính vào lùm xùm Quỹ bình ổn giá

30/10/2024, 16:48

Xăng dầu Hải Linh là doanh nghiệp đầu mối chuyên về nhập khẩu xăng, dầu, khí hoá lỏng, cung cấp cho thị trường khu vực miền Bắc và miền Nam.

Như đã đề cập, mới đây Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đã công khai thông tin 1.371 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đến thời điểm ngày 30/9/2024, với số tiền trên 912,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Hải Linh hiện là doanh nghiệp đứng đầu danh sách nợ thuế với số tiền gần 288 tỷ đồng.

Thông tin này đã khiến giới kinh doanh ngạc nhiên bởi Xăng dầu Hải Linh là một trong những "ông lớn" trong ngành xăng dầu tại Việt Nam.

Cơ ngơi của nhóm chủ Hải Linh

Theo tìm hiểu, năm 2002, Công ty TNHH Hải Linh được hình thành trên cơ sở doanh nghiệp tư nhân Hải Linh. Là doanh nghiệp đầu mối chuyên về nhập khẩu xăng, dầu, khí hóa lỏng, cung cấp cho thị trường khu vực miền Bắc và miền Nam.

Đây là doanh nghiệp "lõi" của ông Lê Văn Tám, chủ lâu đài Hải Linh - một đại gia có tiếng tại Phú Thọ.

Một trong những cột mốc được chú ý là lần đầu tiên Công ty TNHH Hải Linh được Vietnam Report JSC bình chọn là một trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2009. Cũng theo thông tin của Vietnam Report JSC, thời điểm đó Hải Linh có khoảng hơn 200 đại lý trên địa bàn các tỉnh trên, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Thị phần xăng dầu của công ty chiếm 20-30% và thị phần gas chiếm trên 50% thị phần khu vực.

Sự hình thành và phát triển của Hải Linh mang đậm dấu ấn của doanh nhân Lê Văn Tám (SN 1966). Tính đến cuối năm 2021, vốn điều lệ Xăng dầu Hải Linh đạt 2.050 tỷ đồng. Trong đó, ông Lê Văn Tám góp 68,67% vốn công ty; bà Nguyễn Thị Hải – cùng địa chỉ thường trú với ông Lê Văn Tám, nắm 31,33% vốn còn lại.

Sau nhiều lần tăng/giảm vốn (đỉnh điểm đạt 4.550 tỷ đồng), hiện tại Hải Linh đang có vốn điều lệ là 1.950 tỷ đồng. Ông Tám nắm 90,227% còn bà Hải sở hữu 9,773 vốn còn lại.

Không chỉ là cổ đông chi phối, doanh nhân sinh năm 1966 cũng đồng thời là người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐQT công ty.

Xăng dầu Hải Linh: Một thời đại gia Phú Thọ, nay nợ thuế, dính vào lùm xùm Quỹ bình ổn giá- Ảnh 1.

Hải Linh là doanh nghiệp đầu mối chuyên về nhập khẩu xăng, dầu, khí hóa lỏng, cung cấp cho thị trường khu vực miền Bắc và miền Nam.

Ngoài pháp nhân trên, ông Tám còn đứng tên nhiều doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Điện Lực Hiệp Phước, Công ty Cổ phần Dầu Khí Hải Linh Vũng Tàu, Công ty TNHH MTV Dầu Khí Hải Linh Cái Mép, Công ty TNHH Cảng LNG Cái Mép, Công ty Cổ phần Kho Cảng LNG Cái Mép, Công ty Cổ phần Kho Cảng Cái Mép, Công ty Cổ phần Hải Linh LNG, Công ty Cổ phần Kinh Doanh LNG Vietfirst, Công ty Cổ phần Khí Vietfirst.

Ngoài ra, hệ sinh thái của Hải Linh còn Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Tây Bắc; Công ty TNHH MTV Hải Linh Bắc Ninh và Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Hà Nam.

Tháng 8/2024, thông thông tin từ S&P Global, công ty TNHH Hải Linh đã được cấp giấy phép xuất nhập khẩu khí LNG và trở thành công ty tư nhân đầu tiên được kinh doanh LNG, sau PV Gas.

Hải Linh hiện sở hữu một số dự án đáng chú ý như: Tổng kho xăng dầu Hải Linh Hải Phòng (sức chứa 76.450 m3), Kho xăng dầu Hải Linh Bắc Ninh (sức chứa 26.000 m3); Kho xăng dầu Hải Linh Phú Thọ (sức chứa 18.000 m3). Năm 2016, công ty mua lại Kho xăng dầu ngoại quan ở Cái Mép - Vũng Tàu có sức chứa 120.000m3 và đang được nâng công suất lên 320.000m3.

Tại Cái Mép, Hải Linh còn là chủ đầu tư dự án xây dựng bể chứa khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) với sức chứa 220.000 m³ và tổng vốn đầu tư lên đến 5.536 tỷ đồng. Dự án này được triển khai để tiếp nhận LNG từ nguồn nhập khẩu và tái hóa khí nhằm cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ khí tại khu vực miền Nam.

Tháng 4/2019, Hải Linh gây chú ý khi thực hiện thương vụ M&A toàn bộ cổ phần Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước – chủ đầu tư Nhà máy điện Hiệp Phước – từ Công ty Power (JV) Company Hongkong Limited.

Nhà máy điện Hiệp Phước, ban đầu được đầu tư theo hình thức BOO, đã nhận giấy phép đầu tư vào tháng 6/1993 với nguồn nguyên liệu đầu vào là dầu diesel. Nhà máy bắt đầu hoạt động từ tháng 7/1998 với tổng công suất 375 MW, nhưng đã dừng hoạt động từ cuối năm 2011 do không được chấp nhận đề nghị tăng giá bán điện lên gấp 3 lần để tránh thua lỗ. Được biết, sau khi mua lại nhà máy này, Hải Linh sẽ tiến hành nâng cấp và cải tạo để chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí cho hoạt động phát điện.

Một số nguồn tin cho thấy Công ty TNHH Hải Linh đang lên kế hoạch nâng cấp Nhà máy điện Hiệp Phước hiện nay lên quy mô 1.000 MW, đồng thời dự định xây dựng thêm một nhà máy điện khí mới với quy mô 1.500 MW tại cùng khu vực này.

Từng dính vào lùm xùm Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Vào đầu năm 2024, Thanh tra Chính phủ trong kết luận thanh tra đã nêu tên Công ty TNHH Hải Linh cùng sáu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác về việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không đúng mục đích, không kết chuyển mà để lại thường xuyên trên tài khoản thanh toán của doanh nghiệp.

Công ty TNHH Hải Linh đã thực hiện kết chuyển các khoản trích lập và chi tiêu từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng sau đó lại chuyển về tài khoản thanh toán để sử dụng, với tổng số tiền lên đến hơn 2.551 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã đề xuất thu hồi số tiền hơn 2.500 tỷ đồng này để đưa trở lại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Về việc này, vào ngày 15/1, ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐTV của Hải Linh, cho biết công ty đã rà soát lại khoản tiền 2.551 tỷ đồng được đề cập: "Vào tháng 9/2022, khi đoàn thanh tra làm việc tại công ty, chúng tôi đã hoàn tất các nghĩa vụ theo quy định và không còn nợ Quỹ Bình ổn giá".

Hải Linh nhấn mạnh rằng số tiền 2.551 tỷ đồng của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được trích lập và sử dụng theo các kỳ điều hành giá của Bộ Công thương.

Liên quan đến vụ việc, ông Lê Văn Tám cũng đã gửi báo cáo đến Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính và Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương về tình hình thực hiện trích lập, chi tiêu, lãi phát sinh và số dư Quỹ Bình ổn giá đến tháng 12/2023. Tính đến ngày 31/12/2023, báo cáo (có xác nhận của ngân hàng) ghi nhận số dư Quỹ Bình ổn giá của Công ty Hải Linh còn hơn 46 tỷ đồng.

Công ty Hải Linh cam kết với Bộ Công thương và Bộ Tài chính rằng các thông tin trên là chính xác, đúng sự thật và công ty sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp lý về những gì đã báo cáo.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận thuần của Hải Linh đã tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2016-2019. Cụ thể, doanh thu bình quân của công ty tăng 40,6% mỗi năm, trong khi lợi nhuận thuần tăng trung bình hơn 17% mỗi năm.

Dù đạt quy mô doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thuần của Hải Linh chỉ còn lại vài chục tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần của công ty đạt 18.879,6 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2018. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong nhóm 23 công ty xăng dầu lớn nhất (không bao gồm Petrolimex và PVOil). Tuy nhiên, lợi nhuận thuần của công ty chỉ đạt 46 tỷ đồng, dù đã tăng 84%.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của công ty cũng tăng mạnh mẽ. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hải Linh (công ty mẹ) là 12.257,7 tỷ đồng, tăng 66,7% so với đầu năm và gần gấp 2,8 lần so với năm 2016.

Trên bảng cân đối kế toán, nguồn vốn của Hải Linh chủ yếu được cấu thành từ nợ phải trả. Tính đến cuối năm tài chính 2019, vốn chủ sở hữu của Hải Linh đạt 1.458,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018; trong khi đó, nợ phải trả lên tới 10.799,3 tỷ đồng, tăng 73,3%.

Như vậy, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty vào cuối năm 2019 đã đạt mức hơn 7,4 lần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.