Xã hội

Xăng tăng giá... mọi kế hoạch sẽ bị đảo lộn!

Đa số ý kiến cho rằng, xăng lên sẽ kéo hàng loạt mặt hàng đồng loạt tăng giá; trong khi đó, lương chưa tăng.

Câu chuyện nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa và dự báo tăng giá mạnh vào ngày mai thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Đa số ý kiến cho rằng, xăng lên sẽ kéo hàng loạt mặt hàng đồng loạt tăng giá; trong khi đó, lương chưa tăng, thu nhập của người dân còn khó khăn, bếp bênh sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19.

img

Ảnh minh họa

“Xăng tăng không ngại mà ngại những thứ đua theo, dù chỉ là mớ rau, con cá, miếng thịt vì đó là những thứ không thể “nhịn” mỗi ngày”, bạn đọc Thanh Lương (TP Huế) viết.

Đồng quan điểm, bạn đọc Minh Hiền (Thái Bình) chia sẻ: “Xăng tăng sẽ kéo theo cước vận tải tăng, giá các mặt hàng thực phẩm tăng mà lương cứ nằm im với giảm dần".

“Giá xăng sẽ cán mốc mới 28.000 đồng /lít, vượt qua đỉnh năm 2014 giá 26.500 đồng /lít và mọi kế hoạch của cá nhân hay công ty sẽ bị đảo lộn vì giá xăng dầu và chi phí logistics”, bạn đọc Mai Linh viết.

Một bạn đọc cho biết đang thất nghiệp, định đợt tới lên Hà Nội chạy Grab hoặc làm shiper nhưng xăng tăng giá sợ không đủ tiền “nuôi đường”.

“Cuộc sống đã đảo lộn vì Covid-19, giờ lại đến giá xăng tăng, không biết con đường mưu sinh của tôi sẽ bị vít đến lúc nào. Sau Tết định lên Hà Nội chạy Grab hoặc shiper nhưng nghe nói giá xăng tăng lại ngán ngẩm quá, không biết có đủ tiền sinh hoạt phí không””, bạn Văn Quý viết.

Bạn Nguyễn Minh bình luận: “Xăng tăng giảm theo thế giới thì đành chịu, đây lại có nhiều thông tin cho rằng giá xăng đang bị can thiệp. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ. Không thể để tình trạng nước đục thả câu, đầu cơ chờ tăng giá hoặc gây sức ép lên chính sách. Bởi xăng là mặt hàng cực kỳ thiết yếu”.

Một số bạn đọc khác thì dự đoán “tăng rồi sẽ giảm, nhưng... nhỏ giọt”.

“Tăng là căng rồi, ai cũng lường được hệ lụy. Tăng liên tiếp chắc sẽ có giảm cho bớt căng nhưng... tăng cả nghìn đồng, giảm thì chỉ 200- 300 đồng thôi.”, bạn đọc Tiến Nguyễn viết.

Trong cuộc họp khẩn chiều 9/2, đại diện Bộ Công thương khẳng định, nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022. Tuy vậy, nguồn cung từ tháng 3 có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.

Với thông tin này, các lo lắng của bạn đọc là có cơ sở bởi nguồn cung giảm ắt sẽ đẩy giá tăng. “Rau, cá, thịt từ trang trại có thể không tăng nhưng giá đến chợ chắc chắn sẽ tăng vì người bán phải dùng xe để vận chuyển hoặc thuê vận chuyển. Chưa kể, một số người lấy đó làm cái cớ để tăng nhiều hơn”, bạn đọc Minh Chuyên viết.

Chung niềm lo lắng, bạn Nguyễn Hà viết: Mong là các cơ quan chức năng sẽ tìm được giải pháp căn cơ, tháo gỡ mọi khó khăn để cuộc sống của bà con đỡ rối, chứ Covid-19 quấy phá đã mệt mỏi lắm rồi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.