Nguyên nhân khiến đường bị lún, nứt nhanh chủ yếu do thiết kế cấp phối, sự chênh lệch lớn tỷ lệ cốt liệu tạo ra lỗ rỗng khiến đường mất tính đàn hồi. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc điều hành Dự án nâng cấp QL1 Nghi Sơn - Cầu Giát (đoạn do Công ty TNHH MTV 319.1 thi công) cho biết, nguyên nhân khiến đường bị lún, nứt nhanh chủ yếu do thiết kế cấp phối, sự chênh lệch lớn tỷ lệ cốt liệu tạo ra lỗ rỗng khiến đường mất tính đàn hồi. Sau nhiều lần tác động từ bề mặt, kết cấu đường bị bào mòn và lún, nứt. Ngoài ra, xe quá tải trọng thường xuyên nối đuôi chạy với tần suất lớn tạo ra hiện tượng trùng phục, phá vỡ nền móng đường. Cùng đó, thời tiết nắng nóng từ 46 độ C trở lên cũng khiến cho nhựa đường dễ bị chảy nhão. Vì vậy, việc tuyến đường được bồi nhiều bê tông nhựa mà giảm phần nền móng là cốt liệu đá cũng khiến đường sụt lún nhanh, mất thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, cũng cần kể đến, tuyến QL1 luôn “nóng” trong việc GPMB. Gặp khó khăn trong việc GPMB khiến đơn vị thi công thường làm kiểu chắp vá, bám víu chờ đợi không liền mạch nên khiến đường mất thẩm mỹ, chất lượng cũng không đồng đều. Việc đua nhau vượt tiến độ công trình cũng dễ làm các nhà thầu, đơn vị thi công chủ quan về chất lượng. Họ làm ẩu về thiết kế cấp phối, chủ quan trong việc lựa chọn nguyên, vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc. Nhiều công trình hiện nay vẫn còn sử dụng tràn lan đá xây nhà vào xây đường, độ bền chắc, chịu lực của nền móng sẽ không đảm bảo.
Trước đây, các công trình thường dùng nhựa đường phi với một lần đun nóng rồi sử dụng sẽ đảm bảo chất lượng. Giờ phần lớn dùng nhựa lỏng được sản xuất ở nhà máy, quá trình vận chuyển đến công trường mất nhiều công đoạn, thời gian và không chắc chắn có thực hiện quy tắc bảo ôn (nguyên tắc là phải duy trì độ lỏng của nhựa ngay từ khi sản xuất đến lúc sử dụng) và phải đun nóng lại nhiều lần sẽ khiến nhựa giảm chất lượng.
“Để hạn chế đường bị lún nứt, nhà thầu và đơn vị thi công phải tập trung xây chắc nền móng bằng cốt liệu thô, chủ yếu là vật liệu đá theo quy định và thêm đá nhỏ như 1.1 để chèm chẹt các lỗ hổng của đá lớn, tạo sự gắn kết liền mạch của móng và tăng sức đàn hồi. Nên xây dựng đường cong cấp phối đi theo hình chữ S trong “củ khoai” để dàn đều lực chịu của các phương tiện, tránh có chỗ lồi, chỗ lún. Cùng đó, phải hạn chế xe tải trọng chạy theo một đường nối dài liên tiếp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận