Chậm cụ thể hóa chính sách thu hút người có đức, có tài vào hệ thống chính trị
Bộ Chính trị vừa có Thông báo số 50-KL/TW Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, ban hành chính sách trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị
Bộ Chính trị nêu rõ, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị…
Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc; quyết tâm thực hiện chưa cao, còn máy móc, chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với tính giản biên chế theo vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thu hút nhân tài.
Một số chủ trương mới như chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị chậm được cụ thể hóa; chậm khắc phục sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm; chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Nguyên nhân của hạn chế, bất cập là do Nghị quyết 18 có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp, toàn diện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu chưa chủ động, còn trông chờ, ỷ lại cấp trên…
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 18 đặt ra, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; Tăng cường nghiên cứu lý luận về mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và tình hình thực tế.
Kịp thời sơ kết, tổng kết nghị quyết, chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là mô hình tổ chức của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương, các mô hình thí điểm về chính quyền đô thị, mô hình hệ thống chính trị cấp xã; Cơ chế bảo đảm dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng.
Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức bảo đảm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Kiên quyết chuyển cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện. Sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; quy định về sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp thực tiễn.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định và kết luận của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Hoàn thiện danh mục vị trí việc làm cùng với khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của hệ thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, gắn với đánh giá thực chất, xếp loại chính xác công chức, viên chức.
Cụ thể hóa nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng; thể chế chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý công chức, viên chức, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung... bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất liên thông.
Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thành rà soát, sắp xếp chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý; xây dựng, ban hành bảng lương chức vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sửa đổi mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh.
Điều chỉnh hợp lý chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với quy mô, dân số, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Có cơ chế, chính sách phù hợp đối với người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Chuẩn bị nguồn lực, có lộ trình phù hợp thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận