Chiều 11/10, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm "Doanh nghiệp ngành GTVT với sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập quốc tế" và ra mắt cuốn sách "Những doanh nghiệp đi trước mở đường". Sự kiện đặc biệt này như một món quà Báo Giao thông dành tặng các doanh nghiệp, doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).
Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Bộ GTVT, đại diện các cơ quan chức năng và hơn 20 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Mời xem phóng sự Doanh nghiệp xây lắp và hành trình phát triển giao thông đất nước
Dư địa lớn nhưng phải trông chờ cơ chế Nhà nước
Buổi tọa đàm do Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên điều phối, gồm 2 phiên chính. Trong đó, phiên thứ nhất với chủ đề "Doanh nghiệp xây lắp giao thông đang ở đâu?" nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến chia sẻ.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng thời gian qua, doanh nghiệp giao thông Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc.
"Nếu trước đây, các doanh nghiệp chỉ được chỉ định những gói thầu dưới 500 triệu thì nay, giá trị gói thầu được chỉ định lên tới hơn 14.000 tỷ đồng", ông Hoàng nói và cho biết, năng lực đã gia tăng, cơ hội tiếp cận gói thầu lớn đã có, song, để lớn mạnh hơn, doanh nghiệp giao thông Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho rằng, dư địa phát triển của doanh nghiệp trên thị trường xây lắp giao thông ngày càng lớn khi phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông được Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Các dự án cao tốc quy mô đã được Chính phủ cho phép phân chia giá trị từ 2.000-10.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp tăng nội lực, có bộ hồ sơ tài chính nhằm tiến tới xa hơn đủ đấu thầu quốc tế.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc cho rằng, thị trường xây lắp giao thông đang vắng bóng những "cánh chim đầu đàn" trực thuộc Nhà nước như các Cienco, Tổng công ty Sông Đà...
"Giai đoạn 2021-2030, để các doanh nghiệp trong nước trưởng thành, vươn tầm như quốc tế, bên cạnh sự đoàn kết giữa các nhà thầu hiện nay, Chính phủ cũng cần quan tâm xây dựng một số doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt thị trường xây lắp để tăng sức cạnh tranh.
Chúng ta cũng có thể nghiên cứu xây dựng 1 - 2 doanh nghiệp giao thông trực thuộc Nhà nước để thực hiện những công việc, dự án trong trường hợp đặc biệt", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ.
Tiếp tục rà soát định mức, tạo nguồn lực cho nhà thầu
Một trong những giải pháp tiếp tục được đề cập nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam, điều chỉnh định mức đơn giá cũng là một trong những giải pháp được lãnh đạo Tổng công ty Trường Sơn đặc biệt nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về đề xuất trên, ông Nguyễn Thanh Vân, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng thừa nhận, định mức đơn giá áp dụng cho dự án giao thông hiện nay chưa được như kỳ vọng.
Ví dụ điển hình là đơn giá nhân công hiện cao lắm cũng chỉ 300.000 đồng nhưng thực tế, giá doanh nghiệp phải đi thuê phải từ 400.000-500.000 đồng.
Theo ông Vân, thời điểm xây dựng trình ban hành Thông tư 12, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát hơn 1.000 định mức.
Hiện nay, hệ thống định mức không chỉ được các cục chuyên ngành tiếp tục rà soát mà quá trình triển khai dự án, lực lượng tư vấn có trách nhiệm rà soát, xây dựng định mức chưa có hoặc chưa phù hợp.
Câu hỏi đặt ra là tại sao hệ thống định mức đơn giá vẫn chưa bám sát thực tiễn? Ông Vân đặt câu hỏi và cho rằng, một trong những lý do chính có thể kể đến, hầu hết vật liệu thi công dự án giao thông lớn hiện nay là vật liệu thông thường, phải lấy báo giá của địa phương.
Khó ở chỗ, thời điểm lập dự án, dự toán, nhu cầu khối lượng vật liệu chưa thể được dự báo chính xác, giá vật liệu ở địa phương cũng chưa bị đẩy lên cao khi các dự án giao thông lớn triển khai ồ ạt.
"Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, sớm lập lại các định mức để đơn giá áp dụng trong đầu tư xây dựng dự án giao thông sớm được điều chỉnh sát với thực tiễn", ông Vân nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận