Giá trị thị trường chia sẻ xe đạp Trung Quốc sẽ mở rộng khoảng 736%, lên đến 10,28 tỉ nhân dân tệ |
Sự phát triển của dịch vụ chia sẻ xe đạp (CSXĐ) tưởng chừng là tin tốt đẹp với các nhà sản xuất xe đạp đang chật vật tại thị trường lớn nhất thế giới. Song, các giám đốc điều hành đến từ các công ty sản xuất xe đạp truyền thống của Trung Quốc đều than phiền rằng, dịch vụ CSXĐ đã và đang làm thay đổi hoàn toàn bức tranh thị trường.
Dự đoán tăng trưởng 736%
Vài năm trở lại đây, sự phát triển rất nhanh của các công ty CSXĐ, với mức vốn có thể huy động lên tới hàng trăm triệu USD, đã đưa hàng triệu chiếc xe đạp quay trở lại đường phố Trung Quốc sau một thời gian vắng bóng do sự phát triển của xe máy, ô tô, các phương tiện công cộng.
Công ty tư vấn có trụ sở tại Quảng Châu iiMedia Research ước tính, giá trị thị trường chia sẻ xe đạp Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 736%, lên đến 10,28 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,58 tỉ USD) trong năm nay và số lượng người sử dụng tăng 646%, tương đương khoảng 200 triệu người.
Hai ứng dụng Mobike và Ofo đang dẫn đầu thị trường CSXĐ, ngoài ra có hơn 70 đối thủ khác bắt đầu nhảy vào thị trường đang bùng nổ này, giúp giá cả thị trường giữ ở mức thấp và buộc các công ty CSXĐ phải đưa ra các chính sách trợ cấp để duy trì thị phần, giống như chiến lược của công ty cung cấp dịch vụ đặt xe qua điện thoại Uber (Mỹ).
Tưởng chừng sự phát triển nhanh chóng này sẽ tạo điều kiện để cứu vớt thị trường xe đạp đang chật vật nhưng hóa ra nó lại biến đổi thị trường theo hướng khác. Công ty Nghiên cứu thị trường IbisWorld cho biết, hiện tượng CSXĐ tại Trung Quốc đang tạo ra làn sóng cải tổ ngành công nghiệp xe đạp ở nước này.
Bởi, thay vì mua và sử dụng xe đạp truyền thống do các công ty sản xuất xe đạp của Trung Quốc cung cấp, nhiều công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp như Mobike quyết định tự thiết kế xe để dễ dàng duy trì và kết nối trên mạng.
Xe đạp của hãng này có lốp không cần bơm, sử dụng các chất liệu bền, khó bị hoen gỉ và trang bị hệ thống theo dõi GPS để người sử dụng có thể định vị xe dễ dàng. Hiện, Mobike đang có 3,65 triệu chiếc tại 50 thành phố của Trung Quốc.
Sau khi tự xây dựng một nhà máy xe đạp riêng, Mobike đang phối hợp với các nhà cung cấp để tăng cường sản xuất. Với sự giúp đỡ của nhà đầu tư Foxconn và các nhà cung cấp hàng điện tử khác, Mobike tuyên bố họ đủ sức chế tạo 36,5 triệu xe/năm, tương đương gần 1/3 tổng sản phẩm xe đạp toàn cầu.
Hơn nữa, ngày càng nhiều xe đạp của Mobike được xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó hãng này và Ofo đang cạnh tranh để giành thị trường Singapore cùng các thị trường quốc tế khác.
Làm thay đổi hoàn toàn thị trường xe đạp
Một phụ nữ Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ CSXĐ |
Sự phát triển thần tốc này khiến các nhà sản xuất xe đạp truyền thống chật vật tìm cách đối phó. Ông Yu Yuefeng, Giám đốc Quản lý của Phoenix - hãng sản xuất xe đạp lâu đời nhất tại Trung Quốc cho biết, năm ngoái, doanh số nội địa của họ sụt giảm khi các ứng dụng CSXĐ tăng tốc phát triển mạnh.
Phóng viên Reuters ghi nhận, thực tế, khoảng 14h một ngày đầu tháng 9, Giám đốc Quản lý doanh số hãng Baochi Bike, ông Xiao Xizheng vẫn chìm trong giấc ngủ trưa ở cửa hàng bán xe đạp tối om. Ông Xiao còn không buồn bật đèn showroom vì chẳng có mấy khách ghé qua xem. Hàng chục xe đạp các loại trước đây bán rất chạy của công ty xếp hàng dài trong showroom tọa lạc ngay con đường chính tại Wangqingtuo, ngoại ô Thiên Tân.
Trước đây, những con đường ở đây luôn chật cứng người mua xe đạp, thậm chí còn không đủ hàng để bán. “Các đại lý xe đạp đều kêu ca, năm nay, doanh số sụt giảm, một số đại lý phải đóng cửa”, ông Yu Yuefeng chia sẻ.
Trong tình hình này, một số hãng sản xuất xe đạp chuyển hướng kinh doanh để đáp ứng thị trường. Tập đoàn Zhonglu, đang sở hữu nhãn hiệu xe đạp Forever Bicycle nổi tiếng, đã đầu tư phát triển các ứng dụng chia sẻ xe đạp riêng là Ubike và Gonbike. Giám đốc quản lý doanh số của Forever Bicycle, Shirley Cheng nhận định, ngày nay, rất nhiều người ưa chuộng dịch vụ CSXĐ vì thực tế sử dụng dịch vụ này thuận tiện hơn là sở hữu riêng một chiếc.
Song, bà Cheng kêu gọi Chính phủ nên sớm vào cuộc quản lý chặt chẽ chương trình CSXĐ để giải quyết tình trạng xe đạp bị vứt bỏ với số lượng lớn xung quanh các thành phố của Trung Quốc, đề phòng khả năng thị trường CSXĐ đối mặt với vấn đề quá tải.
“Có quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ CSXĐ và nhiều công ty sản xuất - bán xe đạp truyền thống không có lợi nhuận dẫn đến buộc phải phá sản hoặc sẽ phải cải tổ trong 1-2 năm tới”, bà Cheng cho biết.
Ông Yu Yuefeng chia sẻ thêm, các nhà máy sản xuất xe đạp có biên lợi nhuận hẹp sẽ không còn cơ hội duy trì kinh doanh nếu họ không thể duy trì doanh số trong khi đó các công ty cung cấp dịch vụ CSXĐ lại hoạt động theo hướng công ty công nghệ, gây ra thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư lớn đổ tiền vào họ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận