Sử dụng xe trung chuyển trái phép, gom khách khắp phố phường
Sáng 21/4, trong vai hành khách có nhu cầu từ Hà Nội về Sầm Sơn (Thanh Hoá), PV Báo Giao thông gọi đến số hotline 1900888999 của nhà xe Ba Sáu.
Nhân viên nhà xe cho biết, từ 4h - 20h mỗi ngày, cứ cách một tiếng, xe limousine Ba Sáu sẽ có 1-2 chuyến đi từ Hà Nội về Thanh Hoá - Sầm Sơn và ngược lại. Tuỳ vị trí ghế ngồi và địa điểm đến, giá xe dao động từ 230 - 300 nghìn đồng.
Xe trung chuyển trái phép của nhà xe Ba Sáu đón khách về văn phòng ở Đồng Tàu (Hà Nội) để đưa lên xe limousine hợp đồng trá hình về Thanh Hoá
Đúng lịch hẹn, khoảng 13h chiều cùng ngày, chiếc xe trung chuyển trái phép Mitsubishi Xpander biển trắng BKS 30K - 147.70, không đăng ký kinh doanh của nhà xe Ba Sáu đón khách tại Cầu Diễn, lúc này trên xe đã có 1 người.
Sau đó, tài xế nhanh chóng cho xe len lỏi qua các tuyến phố Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo đến Mễ Trì đón thêm 1 khách lúc 13h15 và vòng qua Đỗ Đức Dục - Miếu Đầm - Cương Kiên - Trung Thư - Tố Hữu - Vạn Phúc - Trần Phú đón 1 khách khác.
Đón đủ khách, tài xế cho xe chạy thẳng lên đường Vành đai 3 trên cao di chuyển về văn phòng tại Kiot 10.N5.KĐT Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để xếp khách lên xe limousine về Thanh Hoá.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, phía trong văn phòng có bàn làm việc của nhân viên nhà xe để khách hàng tới đặt vé, giao/nhận hàng hoá và ghế cho khách ngồi chờ.
Phía ngoài đường, có tới 4 chiếc xe trung chuyển trái phép chờ đón/trả khách trong nội thành Hà Nội đến văn phòng này và ngược lại, các xe lần lượt BKS 30K - 147.70, 30K - 147.30, 30F - 991.67, 30K - 147.39.
Tất cả xe này đều mang biển trắng, không đăng ký kinh doanh, “trá hình” xe cá nhân để dễ dàng di chuyển vào các ngõ ngách, đường phố tại Hà Nội đón/trả khách.
Tài xế xe limousine Ba Sáu gọi từng hành khách lên xe để xếp ghế đã đặt trước đó
Khoảng 14h, 2 tài xế của 2 xe limousine BKS 29F - 023.88 và 29F - 023.95 trên tay cầm danh sách khách hàng ghi đầy đủ tên, số điện thoại, nơi đón, nơi trả, giá vé từng người để gọi khách hàng lên xe.
Đây cũng chính là danh sách hành khách tài xế sử dụng để đối phó lực lượng chức năng khi kiểm tra, dưới danh nghĩa xe hợp đồng.
Theo sắp xếp từ nhà xe, PV Báo Giao thông được hướng dẫn lên xe 29F - 023.95 cùng 10 hành khách khác. Đủ khách, tài xế liền cho xe chạy thẳng ra cao tốc Hà Nội - Ninh Bình về Thanh Hoá.
Dọc đường, chiếc xe trả 4 khách tại thị xã Bỉm Sơn và huyện Hoằng Hoá sau đó di chuyển về văn phòng tại đường Dương Đình Nghệ, phường Đông Thọ, TP Thanh Hoá.
Đáng nói là, dù đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng, trên biển quảng cáo tại văn phòng xe Ba Sáu lại ngang nhiên ghi Limousine Thanh Hoá - Hà Nội và ngược lại. Thậm chí trên danh thiếp của nhà xe này còn ghi: “Tuyến: Thanh Hoá - Hà Nội và ngược lại”, không khác gì xe tuyến cố định.
Trước đây, doanh nghiệp vận tải khách bằng xe hợp đồng chỉ chiếm từ 20-30% số phương tiện xe khách kinh doanh vận tải, còn lại là xe tuyến cố định. Hiện nay, theo thống kê, tổng số xe khách tuyến cố định toàn quốc chỉ khoảng 25.000 xe, trong khi đó, vận tải khách theo hợp đồng là 170.000 xe, gấp 6 lần. Điều này là bất hợp lý, đa phần các xe limousine đều là xe hợp đồng trá hình.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Cũng giống như ở Hà Nội, tại TP Thanh Hoá, nhà xe Ba Sáu cũng sắp xếp một dàn xe 7 chỗ biển trắng để trung chuyển hành khách từ văn phòng về nhà theo đúng quảng cáo “đưa đón tận nơi”, điển hình như các xe BKS: 30K -149.97, 30K – 154.48.
PV Báo Giao thông được sắp xếp lên xe 30K -149.97, tài xế cho xe chạy lòng vòng trả khách ở phường Bạch Đằng (TP Thanh Hoá), khu nghỉ dưỡng FLC Thanh Hoá, đường Tống Duy Tân (Sầm Sơn) và ngang nhiên thả khách trước cổng Công an TP Sầm Sơn mà không lo sợ bị kiểm tra, xử phạt.
Chiều 24/4, cũng với cách thức tương tự, trong vai hành khách có nhu cầu từ Thanh Hoá - Hà Nội, khoảng 17h, PV Báo Giao thông có mặt tại văn phòng nhà xe Đại Nam (đường Trường Thi, TP Thanh Hoá). Thời điểm này, có 2 chiếc xe limousine BKS 36B - 033.60 và 29B - 200.65 được bố trí chở khách đi Hà Nội.
Xe trung chuyển trái phép của limousine Đại Nam đưa khách từ văn phòng ở Hà Kế Tấn len lỏi các ngõ phố ở Hà Nội để về nhà
Đến giờ xe chuẩn bị chạy, hai nhân viên nhà xe trên tay cầm 2 bảng danh sách hành khách đọc tên và xếp chỗ cho từng người theo vị trí ghế đã đặt.
Hai chiếc xe sau đó di chuyển về Hà Nội, dừng nghỉ khoảng 15 phút tại trạm dừng nghỉ ở Ninh Bình rồi chạy thẳng cao tốc về văn phòng trên đường Hà Kế Tấn (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) trả khách xuống văn phòng để đưa lên các xe trung chuyển chở về nhà.
PV Báo Giao thông được đưa lên chiếc Toyota Innova BKS 29A - 822.77 cùng 4 hành khách khác. Chiếc xe 7 chỗ mang biển xe cá nhân dễ dàng len lỏi vào các ngõ phố, trả 2 khách ở sân khu chung cư tại phường Trung Hoà, 1 khách ở ngõ 4 Hàm Nghi, 1 khách ở cầu Diễn, 2 khách còn lại lần lượt được đưa về nơi đến ở Hồ Tùng Mậu và Trần Đăng Ninh.
Tài xế xe Ba Sáu thu vé xe từng người tại trạm dừng nghỉ trên QL1A qua thị xã Bỉm Sơn
Thu tiền từng người
Ghi nhận của PV, dù đăng ký hoạt động xe kinh doanh vận tải hợp đồng, nhưng cả 2 nhà xe Ba Sáu và Đại Nam đều thu tiền vé xe lẻ từng người.
Cụ thể, chiều 21/4, 2 chiếc xe limousine BKS 29F - 023.88 và 29F - 023.95 của nhà xe Ba Sáu chở khách về đến thị xã Bỉm Sơn đã dừng nghỉ tại trạm dừng nghỉ trên QL1A. Chừng 10 phút sau, tài xế “hối” khách hàng lên xe, dựa trên bảng danh sách khách hàng để thu vé từng người với giá từ 230 - 300 nghìn đồng. Với những khách hàng không có tiền mặt, được lái xe đọc số tài khoản để chuyển khoản trực tiếp.
Trong khi đó, nhà xe Đại Nam lại trực tiếp thu tiền khách hàng tại văn phòng ở TP Thanh Hoá vào chiều 25/4, với hành trình đi từ TP Thanh Hoá - Hà Nội, PV trả vé 250 nghìn đồng/ghế.
Quá trình di chuyển, chiếc xe limousine BKS 36B - 033.60 còn đón 1 khách dọc đường tại phường Đông Thọ. Với hành khách này, tài xế trực tiếp thu tiền 250 nghìn đồng tại trạm dừng nghỉ ở Ninh Bình.
Hầu hết các hành khách được xe trung chuyển nhà xe Đại Nam đón về văn phòng ở Thanh Hoá sẽ được thu vé tại văn phòng, riêng các khách đón dọc đường, tài xế thu tại trạm dừng nghỉ ở Ninh Bình
Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng, trong đó quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); Không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau; Không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi, lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.
Như vậy, Limousine Ba Sáu và Limousine Đại Nam đã vi phạm nghiêm trọng các quy định trên khi xác nhận đặt chỗ và thu tiền từng hành khách, không chỉ bằng cách thức trực tiếp mà còn thông qua hình thức chuyển khoản nếu khách hàng không có tiền mặt.
Đáng chú ý, Nghị định 10 cũng quy định: Vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động vận tải không thu tiền do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sử dụng xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả người lái xe) để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến.
Tuy nhiên, hai nhà xe trên dù được cấp phù hiệu xe hợp đồng vẫn ngang nhiên sử dụng xe trung chuyển đón, trả từng khách tận nhà.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc sử dụng các xe trung chuyển trái phép chở khách, trường hợp trên đường xảy ra sự cố sẽ không có cơ sở pháp lý để được bồi thường bảo hiểm cho hành khách. Do đó, lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường khi phát hiện cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận