Báo cáo tại “Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020” tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội, Bộ Công thương cho biết, từ nước xuất khẩu tịnh năng lượng trong thời gian dài, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng vào năm 2015 do sự gia tăng của nhu cầu trong nước và chính sách hạn chế xuất khẩu than, tăng nhanh nhập khẩu than.
Do đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra đời để xóa bỏ mọi rào cản, thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, tạo nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia.
Theo đó, cơ cấu đầu tư cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, việc đầu tư cho phát triển năng lượng ngày càng được đa dạng hóa, chuyển dần từ độc quyền nhà nước sang từng bước hình thành thị trường năng lượng.
Đồng thời, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, thúc đẩy việc xóa bao cấp, nhằm tiến tới xóa độc quyền, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội thông qua giá năng lượng.
Về cơ cấu nguồn điện cũng thay đổi đáng kể: Tăng tỷ trọng công suất nguồn điện BOT và tư nhân, giảm tỷ trọng nguồn điện của EVN và các tập đoàn Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đưa ra những dự báo về thách thức mà ngành năng lượng phải đối mặt.
Đầu tiên, đó là trữ lượng và khả năng cung cấp năng lượng trong nước hạn chế dẫn đến sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng; Nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng đặc biệt trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chậm; Hiệu suất sử dụng năng lượng thấp cả ở phía cung và phía cầu.
Hơn nữa, thị trường năng lượng mới ở giai đoạn đầu, do đó, tính cạnh tranh và hiệu quả chưa cao; Phát triển bền vững năng lượng trong đối phó với biến đổi khí hậu và định hướng tăng trưởng xanh; Chính sách năng lượng và việc thực thi cần hoàn thiện hơn nữa để tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận