Nỗi đau mất người thân, mất nhà trong bão
Trưa 24/9, rẽ vào một con ngõ nhỏ thuộc tổ 5, khu 10A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), PV Báo Giao thông gặp 2 người phụ nữ, một già, một tuổi trung niên đang lọ mọ dọn dẹp đồ đạc trong một căn nhà cấp 4 đã bị sập mái hoàn toàn. Đó là cụ bà Bùi Thị Miêng (gần 80 tuổi) và cô con gái 56 tuổi.
Bà Miêng nhớ lại thời khắc bão số 3 đổ bộ: "Đời tôi chưa bao giờ gặp một cơn bão khủng khiếp như thế. Gió rít liên hồi, nóc nhà rung lên bần bật rồi bị bốc đi hết, lộ ra một bầu trời đen kịt với những tấm tôn, nhựa, lá cây… bay tứ tung. Ba người nhà tôi vội trùm chăn kín đầu, lao xuống bếp tìm nơi trú ẩn".
Chị Vũ Minh Thủy, con gái bà Miêng dáng người gầy gò, đứng liêu xiêu trong góc nhà cho biết, cả 3 người trong gia đình đều có lương hưu với tổng số tiền trên 11 triệu đồng. Nhưng chị Thủy bị bệnh tim bẩm sinh, chỉ tính riêng tiền thuốc đã mất gần 4 triệu đồng/tháng, bố mẹ chị tuổi cao, cũng đau ốm liên miên, nên cảnh nghèo cứ đeo bám mãi.
"Ngay sau bão, bố tôi được một người cháu họ đón về quê tá túc. Còn mẹ, con tôi thì đi thuê một căn phòng của hàng xóm ở, chờ có tiền cất lại mái nhà thì mới dám đón bố tôi về", chị Thuỷ chia sẻ.
Cạnh hộ bà Miêng là căn nhà của gia đình anh Trần Quang Hanh cũng bị cơn bão số 3 quật cho tơi tả. Khi PV Báo Giao thông ghé thăm thì gặp đúng lúc gia đình anh Hanh được cán bộ phường Quang Hanh dẫn một đoàn thiện nguyện đến ủng hộ 2 triệu đồng tiền mặt và một bao gạo.
Chỉ vào mái tôn mới được lắp, anh Hanh cho biết, sau bão, anh đã vay mượn để lợp lại căn nhà này mất mấy chục triệu đồng, nhưng 4 bức tường thì chưa có tiền để quây lại.
"Vợ chồng tôi không có công việc ổn định, không có lương hưu hay chế độ trợ cấp gì. Tôi bị ung thư, con gái đang đi học. Cả nhà sinh sống chủ yếu dựa vào việc trồng, bán mấy cây cảnh trong vườn. Bão về, vườn cây cảnh bị nát bươm, mái nhà bị tốc sạch", anh Hanh nói như mếu.
Dù căn nhà không bị ảnh hưởng quá lớn như những hộ khác trong khu phố, nhưng gia đình anh Nguyễn Đức Cảnh cũng ở tổ 5, khu 10A, phường Quang Hanh lại hứng chịu nỗi đau quá lớn do bão Yagi gây ra.
Thắp nén hương lên bàn thờ cậu con trai mới 15 tuổi, anh Cảnh đau đớn kể: Khoảng hơn 11h hôm bão số 3 đổ bộ, gia đình anh đang ở trong nhà thì một mái tôn từ đâu phóng thẳng vào cửa chính, làm thủng một lỗ to.
Cậu con trai anh Cảnh đang đứng gần cửa nhà bị mái tôn chém vào đầu, máu tuôn xối xả. Do mái tôn chặn ngang, vợ chồng anh Cảnh phải cửa chính, lao ra ngoài để cõng con đi cấp cứu.
Nhưng do thời điểm đó, các tuyến đường đều ngổn ngang cây xanh, mái tôn bị bão quật xuống cản lối, nên gần nửa giờ sau, anh Cảnh mới mượn được chiếc xe bán tải ở hàng xóm để đưa con đi bệnh viện.
"Tôi chạy xe ra quốc lộ 18 nhưng gần ra đến đường lớn thì lại bị một cây nhãn bất ngờ đổ ụp xuống đầu xe, không đi tiếp được. Tôi lại phải về nhà lấy dao ra chặt cây, dọn đường. Gần 2 giờ chiều, tôi mới đưa cháu được đến bệnh viện, dù quãng đường chỉ hơn chục cây số. Nhưng cháu không qua khỏi vì máu ra quá nhiều...", anh Cảnh òa khóc.
Tự lực, tự cường tái thiết sau bão số 3
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, bão Yagi đã làm cho 102.859 nhà bị tốc mái, 254 nhà bị đổ sập và 5.008 nhà bị ngập, sạt lở. Sau bão là cảnh tượng tan hoang chưa từng thấy ở khắp mọi địa bàn của tỉnh.
Ngay sau khi cơn bão vừa ngớt, cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng vào cuộc, hỗ trợ người dân có nơi trú ngụ tạm thời. Lúc này, doanh trại quân đội, nhà văn hóa thôn, khu phố, trường học… đều được huy động để lo chỗ ở tạm thời cho bà con.
Cùng với đó, người thân, họ hàng cũng là chỗ cư trú của hàng ngàn người dân trong cơn hoạn nạn. Lương thực, thực phẩm, quần áo… cũng được các ngành, các cấp, tổ chức cá nhân hỗ trợ kịp thời.
Đặc biệt, để nhanh chóng giúp người dân, doanh nghiệp ổn định, sớm khôi phục kinh tế, ngày 23/9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã tổ chức kỳ họp lần thứ 21 để bàn, thông qua nhiều quyết sách quan trọng.
Đáng chú ý là HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024, trong đó có nội dung về hỗ trợ xây nhà ở, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2021 của HĐND tỉnh.
Theo đó, hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục cần phải xây mới thì được hỗ trợ chi phí xây dựng nhà ở mới, với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ. Hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở, với mức 50 triệu đồng/hộ
Đón nhận thông tin trên, anh Vũ Minh Hòa nhà ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả cho biết, gia đình anh bị bão số 3 làm tốc hoàn toàn mái nhà khiến đồ đạc cơ bản bị hư hỏng hết.
"Sau bão, gia đình tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng dân cư. Vì thế đã tạm thời khôi phục được nơi ở an toàn. Giờ lại được chính quyền hỗ trợ để xây, sửa nhà thế này, bà con yên tâm hơn", anh Hòa xúc động.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND huyện Cô Tô cho biết: Trận bão đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương.
"Nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành rất kịp thời. Hiện nay, chính quyền địa phương đã và đang bắt tay ngay vào việc triển khai các gói hỗ trợ, nhất là việc hỗ trợ nhân dân ổn định chỗ ở", vị lãnh đạo UBND huyện Cô Tô chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận