Năm học 2024-2025, trường Quản trị và Kinh doanh, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tuyển 500 sinh viên cho 4 ngành ở bậc đại học, gồm Quản trị doanh nghiệp và Công nghệ, Marketing và Truyền thông, Quản trị Nhân lực và Nhân tài, Quản trị và An ninh.
Theo đề án tuyển sinh, để ứng tuyển, thí sinh nữ phải cao 1m58 trở lên, thí sinh nam trên 1m65, có thể lực và thị giác tốt. Nếu có năng khiếu đặc biệt, trường sẽ xét riêng.
Tiêu chí này của trường gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn. Nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí đặt ra như vậy, gây sự phân biệt đối xử với thí sinh, trong khi đây không phải là ngành đào tạo mang tính đặc thù.
Thông thường, chỉ các trường công an, quân đội mới đặt ra điều kiện về chiều cao. Trường quân đội tuyển thí sinh nam cao 1,65m trở lên, nữ 1,54m trở lên. Mức này ở các trường công an là 1m64 và 1m58. Hoặc một số trường hợp đặc thù như Học viện Báo chí và Tuyền truyền yêu cầu thí sinh ngành Quay phim cao 1,65m với nam và 1,60m với nữ; Đại học Sư phạm Hà Nội lấy nam 1m6, nữ 1m55 vào ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
Lý giải về việc đưa ra tiêu chí này với báo giới, đại diện Trường Quản trị và Kinh doanh cho biết: "Các quy định xét tuyển của trường hướng tới mục tiêu đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và tư. Trường muốn đảm bảo rằng các sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực và phẩm chất để thành công trong công việc... Chúng tôi nhận thấy ngoài những yếu tố về học lực và kỹ năng, thể chất, hình thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và tự tin của các nhà lãnh đạo tương lai".
Nhà trường cũng cho biết thêm, "thí sinh có năng khiếu đặc biệt vẫn sẽ được xét đặc cách".
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định: "Với chuyên ngành đào tạo mang tính đặc thù, ví như quân đội, công an và một số ngành nghề khác cần tiêu chí hình thể, nhưng với chuyên ngành đào tạo Quản trị và Kinh doanh thì tiêu chí này là không phù hợp. Nhất là khi thể chất của người Việt không phải ai cũng cao to. Thực tế, có những người thấp bé mà tài giỏi, chính vì vậy, việc đưa tiêu chí đặc thù vào ngành đào tạo thông thường là không cần thiết. Việc nhà trường cho rằng đưa lý do "đào tạo ra những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc cho cả khu vực công và tư" thì không đúng, bởi đâu phải tất cả sinh viên được đào tạo ở đây ra đều làm lãnh đạo, có số này chỉ ở một tỷ lệ nào đó thôi".
Còn theo 1 chuyên gia giáo dục khác, "đây như là một rào cản, có thể sẽ bỏ lọt tài năng. Hiện không một trường Quản trị Kinh doanh top thế giới nào có yêu cầu về ngoại hình. Quản trị kinh doanh thì tài năng là chính chứ không phải hình thức là chuẩn".
Được biết, phương thức tuyển sinh của trường Quản trị và Kinh doanh cũng khác đa số cơ sở đào tạo. Thí sinh phải vượt qua hai vòng sơ tuyển, đạt tối thiểu 4.5 IELTS (hoặc tương đương), trước khi đến vòng xét tuyển.
Vòng sơ tuyển 1, trường đánh giá hồ sơ, gồm điểm học tập, phiếu trả lời câu hỏi tiếng Anh và tiếng Việt, các loại giấy khen, chứng chỉ, thư giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm. Thí sinh đạt 60/100 điểm hồ sơ là đạt.
Vòng sơ tuyển 2 là đánh giá trí tuệ thông minh cảm xúc - EQ. Nhà trường sẽ phỏng vấn trực tiếp, trực tuyến hoặc thông qua video do thí sinh gửi về, yêu cầu tối thiểu là 70/100 điểm.
Vượt qua hai vòng này, thí sinh được vào vòng xét tuyển, với các phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT, của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; kết hợp chứng chỉ tiếng Anh với điểm học bạ hai môn còn lại trong tổ hợp; dựa vào chứng chỉ quốc tế (A-Level, SAT, ACT) và điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận