Kinh tế

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực

26/01/2024, 15:01

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết sau một năm sụt giảm, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi trong những tháng đầu năm 2024.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết năm qua, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc - Hong Kong đạt 607 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022. Mức này thấp hơn khá nhiều so với các thị trường lớn khác (Mỹ giảm 15%, Nhật Bản giảm 24%, EU giảm 39%).

Riêng thị trường Trung Quốc, theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào quốc gia này (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc). Từ tháng 6/2023 đến nay, do xuất khẩu tôm hùm bông bị ngừng trệ nên ảnh hưởng lớn đến giá trị xuất khẩu tôm hùm.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc đang hồi phục sau khi Chính phủ nước này bãi bỏ chính sách Zero Covid. Nhu cầu nhập khẩu tôm của nước này vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung như từ Ấn Độ, Ecuador nên tôm Việt khó cạnh tranh về giá.

Dù vậy, nhờ vị trí địa lý gần, các doanh nghiệp Việt sang Trung Quốc lại có lợi thế về chi phí vận tải. Đặc biệt, căng thẳng trên biển Đỏ đang khiến cước vận chuyển biển tăng, có thể khiến Ecuador giảm xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong các tháng đầu 2024, VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường này có thể phục hồi nhẹ.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực- Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể phục hồi nhẹ trong những tháng đầu năm nay.

Việc xuất khẩu tôm sang Mỹ, Nhật Bản cũng dự báo có nhiều thuận lợi. Thị trường Mỹ được dự báo tăng nhẹ khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt và doanh số bán lẻ tại nước này phục hồi. Tuy nhiên, VASEP cũng lưu ý việc Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ gần đây đã nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp với tôm Việt. Kết quả hiện chưa rõ, nhưng tôm Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm nay, bên cạnh những chướng ngại vật từ căng thẳng trên biển Đỏ.

Với Nhật Bản, thị trường này được đánh giá có nhiều tiềm năng phục hồi sớm hơn so với Mỹ, EU trong 2024. Người tiêu dùng Nhật yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ. Điều này phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Các sản phẩm tôm phổ biến từ Việt Nam xuất sang Nhật Bản như tôm bao bột, duỗi, chiên, sushi vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt. Ngoài ra, Nhật Bản có vị trí địa lý gần hơn so với Mỹ, EU và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn.

Ngược lại, với những bất ổn về kinh tế, chính trị, thị trường EU sẽ chưa thể phục hồi trong phần lớn 2024. Tuy nhiên, dự kiến nhu cầu tôm tại khu vực này sẽ giữ ở mức ổn định, không giảm thêm.

VASEP nhận định đà phục hồi cho xuất khẩu tôm nhìn chung sẽ còn đối diện với nhiều cam go, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn để vượt khó. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành tôm sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD trong năm 2024, tăng 5% so với năm ngoái.

Thể tích lồng nuôi tôm hùm của Việt Nam khoảng 4 triệu m3 lồng, sản lượng 2.500 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.