Nguồn lực trong nước hạn chế, đầu tư ngoại e ngại
Theo dự báo về nhu cầu năng lượng, đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng của cả nước tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2015. Trong cơ cấu năng lượng Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của dầu khí chiếm bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay.
Tuy nhiên, hiện ngành dầu khí Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh cho biết, ba năm gần đây, PVN hoạt động trong bối cảnh chưa có quy chế tài chính nên gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro lớn. Hiện nay, do xung đột pháp lý khiến PVN không có cơ chế, nguồn quỹ cho thăm dò để gia tăng trữ lượng khai thác. Trong khi đó, Luật Dầu khí mới sửa đổi có nhiều quy định khắt khe hơn trước đây gây ra khó khăn cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.
“Trước đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào ngành thăm dò, khai thác dầu khí trung bình 2 tỷ USD/năm, hiện nay mỗi năm chỉ còn khoảng vài trăm triệu USD vốn FDI đầu tư. Trong khi đó, chính sách liên quan ngành dầu khí ngày càng thắt chặt khiến nhà đầu tư e ngại. Chẳng hạn, về thuế tài nguyên nước. Thuế mặt nước cho một lô thăm dò khai thác dầu khí lên tới 10-15 triệu USD/năm. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài e ngại, ít đổ vốn đầu tư”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Tương tự, TS. Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, vấn đề khó khăn lớn nhất chính là phải có cơ chế tài chính rõ ràng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí bởi đây là hoạt động nhiều rủi ro và rất tốn kém. “Thực tế là những năm gần đây, PVN gần như ký được rất ít hợp đồng dầu khí mới khiến hoạt động khoan thăm dò rất èo uột với vốn đầu tư cho hoạt động này chỉ bằng 25% so với giai đoạn trước đây”, ông Minh nhấn mạnh.
Cần có chính sách đặc thù cho ngành dầu khí
Theo ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, các mỏ dầu khí lớn của Việt Nam hiện đang suy giảm sau hơn 30 năm khai thác. Để thăm dò, khai thác mỏ dầu mới phải triển khai ở những vị trí khó khăn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn trong khi an ninh chưa đảm bảo. Do đó, Việt Nam vẫn phải tiếp tục khai thác ở các mỏ dầu truyền thống.
“Mặc dù trữ lượng dầu khí vẫn còn nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước sẽ rất khó khăn. Liệu dầu khí sẽ chiếm bao nhiêu % trong đảm bảo an ninh năng lượng? Chúng ta phải xác định lại khả năng của dầu khí, phải xác định xem dầu khí có khả năng đảm bảo bao nhiêu triệu tấn/năm trong kế hoạch đến năm 2035 để đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia. Và nếu dầu khí không làm được thì liệu có cơ chế nào cho khai thác dầu khí trong nước cũng như nhập khẩu dầu từ nước ngoài?”, vị chủ tịch Hồi Dầu khí Việt Nam đặt vấn đề và nhấn mạnh cần phải có chính sách đặc thù cho các hoạt động dầu khí.
Phân tích về khía cạnh pháp lý, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Ngành dầu khí Việt Nam hiện đã phát triển khá hoàn chỉnh, toàn diện và thực hiện đầu tư kinh doanh theo chuỗi giá trị, bao gồm thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn. Trong khi đó, Luật Dầu khí năm 1993 tuy được bổ sung, sửa đổi 2 lần nhưng chỉ quy định ở khâu thượng nguồn, tức là chỉ giới hạn hoạt động dầu khí ở tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, còn các khâu khác là hầu như không đề cập trong luật.
“Trong bối cảnh mới hiện nay ở trong nước và quốc tế, tái cơ cấu, đặc biệt là vấn đề tiềm năng, trữ lượng dầu khí, điều kiện khai thác… sẽ tác động đến khung khổ pháp lý. Tôi cho rằng, cần sớm xúc tiến đánh giá việc thực hiện Luật Dầu khí và ban hành một luật đầy đủ về thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí”, ông Phúc kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận