Đi xe buýt chậm hơn xe cá nhân
Hà Nội đã trở thành một đại đô thị về quy mô dân số và phương tiện cá nhân với hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu xe. Ùn tắc giao thông đang diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lo ngại hơn.
Giao thông ùn tắc, xe buýt thường xuyên phải di chuyển chậm chạp trong giờ cao điểm
Trong bối cảnh đó, mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Thủ đô mới đáp ứng gần 17,5% nhu cầu đi lại.
Theo kế hoạch được duyệt, đến năm 2030, hệ thống vận tải hành khách công cộng của Hà Nội phải đáp ứng tối thiểu 40% nhu cầu đi lại, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, qua đó hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Bà Trương Minh Huyền - Chủ tịch Hội sinh viên, trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ, xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) giúp tiết kiệm một chi phí rất lớn đối với sinh viên. Giá vé xe buýt liên tuyến chỉ100.000 đồng/tháng không kể số lượng chuyến đi; 1 tuyến là 55.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với việc đi xe máy và ô tô. Hơn nữa, đi xe buýt sẽ được cải thiện sức khoẻ khi ít hít phải khói bụi ô nhiễm nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo bà Huyền, lượng học sinh sử dụng xe buýt hiện nay vẫn chưa nhiều. Chỉ tính riêng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dù có số lượng hơn 10.000 sinh viên đang theo học tại nhiều ngành, nghề khác nhau; trong đó có khoảng hơn 6.000 sinh viên đang theo học trực tiếp tại các cơ sở chính của trường tại Hà Nội, tỷ lệ sinh viên sử dụng VTHKCC chỉ chiếm 1/3, tương đương với 2.000 sinh viên. Trong đó, số sinh viên mua vé tháng cũng chỉ khoảng 1.000 - 1.500 người.
Khẳng định. nguyên nhân khiến sinh viên chưa "mặn mà" với xe buýt là do thời gian đi lại còn chậm, bà Huyền dẫn chứng: Nếu đi xe buýt từ cơ sở 1 của trường tại Dương Quảng Hàm tới cơ sở 2 ở Sóc Sơn có khi mất tới 2 tiếng đồng hồ trong khi nếu đi xe máy chỉ mất 45 phút, đi ô tô cá nhân hết khoảng 35 - 40 phút.
Đó là chưa nói đến những bất cập khác liên quan đến chất lượng dịch vụ, vấn nạn móc túi hay những hành vi không chuẩn mực trên xe buýt...
Các khách mời tham dự Toạ đàm trực tuyến do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức
Điều chỉnh thời gian, tần suất phù hợp
Khẳng định Hà Nội đã và đang nỗ lực tối đa để thu hút người dân sử dụng VTHKCC, ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm Vận tải công cộng cho biết, cùng với việc phục hồi, hệ thống vận tải công cộng tại Thủ đô ngày càng đa dạng về tuyến và loại hình phương tiện.
"Hiện Hà Nội đã bổ sung thêm các tuyến xe buýt điện, từng bước thay thế các phương tiện cũ; Thí điểm triển khai một số điểm sử dụng năng lượng mặt trời tại nhà chờ để người dân tra cứu kịp thời; Xây dựng hệ thống vé thông minh, liên thông giữa xe buýt và tàu điện… theo hướng có lợi cho người dân để khuyến khích người dân tham gia sử dụng vận tải công cộng", ông Phương thông tin.
Phía doanh nghiệp, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho rằng: Vai trò của vận tải hành khách khối lượng lớn là "xương sống" của hạ tầng đô thị. Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động đến nay đã được gần 1 năm và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ về số lượng hành khách, về chất lượng phục vụ và văn hóa đi tàu của hành khách.
"Để thành công trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện, cần có cách tiếp cận và giải pháp riêng, không thể áp dụng những phương thức thực hiện trước của bất cứ quốc gia nào", ông Trường nói và chia sẻ thêm: Muốn "hút" người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, cần luôn lắng nghe, nghiên cứu nhu cầu và đặc tính đi lại của hành khách để điều chỉnh thời gian, tần suất và dịch vụ sao cho phù hợp với thực tế; Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận với xe buýt và nhà ga đường sắt, nhưng hạn chế tối đa ngân sách thành phố.
Cùng đó, phải có chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng. Như, quãng đường dài thì trả tiền nhiều, đi ngắn thì trả tiền ít, vé tháng được kích hoạt trong 30 ngày, kể từ ngày đăng ký và có vé ngày dành cho người dân đi trải nghiệm.
Đồng thời, phải tăng cường kết nối hệ thống xe buýt công cộng, xây dựng văn hóa tham gia giao thông công cộng ngay từ đầu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Dư - chuyên gia giao thông kiến nghị Hà Nội cần có một trung tâm điều hành chung để kiểm soát đầy đủ, toàn diện các phương tiện giao thông công cộng. Phải làm sao để hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách thuận lợi nhất. Nếu làm được điều đó, tự nhiên người dân sẽ thích và đến với vận tải công cộng.
"Loại hình này vốn có nhiều lợi thế so với phương tiện cá nhân trong lợi thế dễ nhận thấy nhất là giá rẻ hơn rất nhiều. "Đã rẻ rồi mà còn thuận tiện nữa, ai mà không thích đi", ông Dư nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận