LTS: Hè năm 2023, miền Bắc trải qua đợt cắt điện luân phiên trên diện rộng do thiếu điện. Nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đã được Bộ Công thương chỉ ra. Theo kết quả giám sát mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đảm bảo đủ điện cho những năm tới là mục tiêu đầy thách thức.
Trong 2 kỳ trước, Báo Giao thông đề cập những giải pháp để huy động vốn tư nhân vào ngành năng lượng và tháo gỡ các khó khăn về truyền tải để không còn tái diễn cảnh cắt điện. Bài viết này đề cập đến xu hướng bắt buộc phải phát triển điện "sạch" và những giải pháp để tối ưu hiệu quả hình thức phát điện này.
Năng lượng "sạch" là xu hướng
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử khi kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch dần khép lại, mở ra trang mới của năng lượng tái tạo. Tại COP26, Việt Nam đã ký cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Với cam kết trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho rằng chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường là việc tất yếu đối với Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp vì Quy hoạch điện VIII được thiết kế mang đậm chất chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Với lộ trình không phát triển nhiệt điện than sau 2030, chuyên gia này cho rằng nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ đảm bảo cung cấp điện nền thay thế điện than, đồng thời giúp hệ thống vận hành ổn định, nhất là tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
Trước việc hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ như hiện nay, điện khí với lợi thế xây dựng nhanh hơn được xem là giải pháp giúp giải quyết ám ảnh thiếu điện. Theo báo cáo của Bộ Công thương, 5 dự án nhiệt điện than đang chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn có tổng công suất lên tới 7.220MW. Bao gồm: Nhiệt điện Quảng Trị (1.320MW), nhiệt điện Công Thanh 600MW, nhiệt điện Nam Định I 1.200MW, nhiệt điện Vĩnh Tân III 1.980MW, nhiệt điện Sông Hậu II 2.120MW.
Trong đó, nhà đầu tư dự án nhiệt điện Quảng Trị là Tổng công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản thông báo dừng triển khai dự án. Tỉnh Quảng Trị đang đề xuất thay thế bằng nguồn LNG theo văn bản ngày 9/8/2023.
Tương tự, đối với dự án nhiệt điện Công Thanh, nhà đầu tư và tỉnh Thanh Hóa cũng đang xin chuyển thành dự án khi điện LNG.
Giảm chi phí, bảo vệ môi trường
Quy hoạch VIII xác định đến năm 2030, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 25,7% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%. Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400MW chiếm 14,9%.
Theo số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong giai đoạn căng thẳng hệ thống điện vừa qua, nếu các nhà máy nhiệt điện khí chạy dầu diesel (DO) bổ sung thêm nguồn cung khí nội địa thì giá thành nhiên liệu cho phát điện cao gần gấp đôi so với sử dụng khí LNG.
PVN cho rằng việc đưa LNG vào bổ sung cho nguồn khí nội địa góp phần làm giảm đáng kể giá thành phát điện của các nhà máy điện tua bin khí so với chạy thay thế bằng dầu DO, FO (dầu mazut). Chưa xét tới khía cạnh môi trường, tỷ lệ chuyển hóa năng lượng từ dầu thấp hơn LNG và chi phí bảo dưỡng cũng tăng thêm khí chạy tua bin khí bằng dầu.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về năng lượng nhận định sau khi không còn nguồn điện than mới xây dựng vào 2030, các nguồn điện khí LNG sẽ đóng vai trò quan trọng trong cân bằng năng lượng, hỗ trợ huy động nguồn điện năng lượng tái tạo theo cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, hiện tại các nguồn điện khí LNG đều đang chậm tiến độ, chưa xong thủ tục đầu tư, ký hợp đồng mua bán điện.
Quy hoạch điện VIII dự kiến phát triển tới 22.400 MW điện khí LNG đến năm 2030, nhưng hiện nay mới có 2 dự án (Hiệp Phước - 1.200 MW và Nhơn Trạch 3&4 - 1.700 MW) đang xây dựng. Các dự án khác chưa được thực sự triển khai, trong khi thời hạn quy hoạch chỉ còn chưa đến 7 năm. Ngay như dự án điện khí Nhơn Trạch 3&4 hiện cũng chậm tiến độ vì chưa đàm phán được giá bán điện, lượng điện tối thiểu mà EVN mua hàng năm...
Vì thế, nếu chỉ trông chờ vào các dự án điện khí đã có trong quy hoạch thì khả năng thiếu điện rất dễ xảy ra. "Các dự án nhiệt điện khí mới, trong đó các dự án BOT có thủ tục kéo dài, gây nguy cơ thiếu nguồn điện trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng", đoàn giám sát cảnh báo.
"Không được cản trở làm điện khí"
Việc cho phép chuyển đổi các dự án điện than sang điện khí LNG sẽ tạo sự chủ động trong việc đảm bảo nguồn điện trong thời gian tới. Song điều này còn phụ thuộc vào các cuộc làm việc giữa Bộ Công thương với nhà đầu tư và địa phương có dự án.
Cụ thể, Bộ Công thương phải xem xét rất nhiều vấn đề, như sự phù hợp của cơ cấu nguồn điện, khả năng tác động tới giá điện, năng lực của chủ đầu tư dự án cũng như những đơn vị tham gia tổ hợp nhà đầu tư, các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi dự án...
Cho rằng chuyển đổi điện than sang điện khí là vấn đề cấp thiết, TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội, nói: "Nếu cơ quan nào cản trở việc chuyển đổi dự án điện than sang điện khí là đi ngược lại công cuộc bảo vệ môi trường. Phải tạo mọi điều kiện, không được cản trở, thậm chí phải khuyến khích nhà đầu tư chuyển đổi từ dự án điện than sang điện khí. Bởi vì mục tiêu tối thượng của phát triển kinh tế bây giờ là hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, giảm phát thải".
Ông John Rockhold, Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn năng lượng Việt Nam, cũng nhìn nhận việc chuyển đổi sang điện khí không có gì phải bàn cãi vì LNG có lượng khí thải carbon thấp hơn tới 50% so với than. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đang thắt chặt vốn cho các dự án điện than để bảo đảm cam kết quốc tế về giảm phát thải. Để việc chuyển đổi này diễn ra thành công, ông Rockhold nhấn mạnh một số yếu tố, trong đó có giá điện và hướng dẫn của Chính phủ.
Đề cập đến khả năng dự án điện than Công Thanh được chuyển thành điện khí, luật sư Lâm Nguyễn Phương Thảo, chuyên gia tư vấn chính sách của Công ty Russia và Vecchi Việt Nam, nói việc này sẽ mở ra hướng đi mới cho các dự án điện than đang chậm tiến độ.
Dẫn chứng việc Mỹ từ năm 2011 đến năm 2019 có hơn 100 nhà máy nhiệt điện than đã chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên, bà Thảo cho rằng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của quốc gia này để áp dụng căn cứ vào những điều kiện thực tế.
"Trên hết, việc chuyển đổi năng lượng đốt than sang các nhà máy điện sử dụng LNG có thể tạo ra việc làm trong ngành xây dựng, kỹ thuật và vận hành hạ tầng. Đồng thời, thông qua việc chuyển đổi này, có thể thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào than nhập khẩu", bà Thảo nói.
Hiện nay, điện gió, bao gồm điện gió ngoài khơi; điện mặt trời vẫn đang chờ cơ chế để triển khai trong thực tế. Trong tờ trình mới nhất vừa gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương cũng nêu rõ vấn đề này.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, nghiên cứu việc thí điểm giao EVN và doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện triển khai dự án điện gió ngoài khơi, tuy nhiên, theo Bộ Công thương, việc xác định cụ thể dự án và doanh nghiệp trong nước triển khai dự án điện gió ngoài khơi thí điểm gặp các khó khăn.Đó là hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng (chưa phê duyệt Quy hoạch không gian biển Quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển); Pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi.
Trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công thương đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư để quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi. Còn với điện mặt trời, Bộ Công thương cho rằng kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII chưa xác định được danh mục dự án điện mặt trời tập trung. Bộ kiến nghị Thủ tướng giao UBND các tỉnh có dự án tiếp tục rà soát theo các yêu cầu đã nêu tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, báo cáo Thủ tướng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận