Chính trị

Bài học “tự thân vận động” ở ngôi nhà có 3 vị tướng

01/03/2023, 07:48

Từ cậu bé mồ côi bố từ lúc 10 tuổi, truyền thống gia đình cách mạng ở làng quê nghèo đã vun đúc nên vị tướng tài ba Đồng Sỹ Nguyên.

Ngôi nhà bình dị và ký ức về người chú đáng kính

Những ngày này trên mọi nẻo đường ở tỉnh Quảng Bình nói chung và ở xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, quê hương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đâu đâu cũng rợp cờ hoa và hình ảnh kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Khi tìm về nhà của Trung tướng, chúng tôi càng thêm bất ngờ bởi ít người nghĩ, ngôi nhà gỗ nhỏ lợp mái ngói, nằm khuất trong con ngõ nhỏ ở thôn Trung là nhà thờ của một gia đình có nhiều tướng lĩnh nhất Việt Nam.

img

Thôn Trung, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình là một làng nhỏ ven dòng sông Gianh

Trong nhà thờ, ngoài những Bằng khen, Huân chương, những tấm ảnh kỷ niệm của đại gia đình thì không có thứ gì đặc biệt. Thứ quý nhất ở đây là cây cột gỗ với 4 nhát đao chém từ thời thực dân Pháp đi càn ở nhà cụ Đặng Thị Cấp (mẹ của Trung tướng Nguyên - PV) mà không bắt được quân cách mạng. Là bia chứng tích nhỏ dựng ở trước nhà ghi công cụ Cấp, người nuôi dưỡng cán bộ cách mạng và sinh ra 7 người con cùng có công với cách mạng thời tiền khởi nghĩa.

Ngôi nhà này cũng chính là nơi ở của vợ chồng người con trai út sau khi cụ Cấp qua đời. Ngôi nhà được các con, các cháu đóng góp tiền, công sức tu sửa lại trên nền nhà cũ.

img

Tuyến tỉnh lộ 559 được trang hoàng trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị tướng tài ba

Ông Nguyễn Hữu Đống (74 tuổi, cháu ruột tướng Đồng Sỹ Nguyên) kể: “Ông bà nội của tôi có 7 người con, 4 trai, 3 gái. Chú Vũ (tên khai sinh của tướng Đồng Sỹ Nguyên là Nguyễn Hữu Vũ - PV) là con thứ 5. Khi chú Vũ lên 10 thì ông nội mất, một mình bà nuôi các con”.

Cũng giống như bao gia đình bên dòng sông Gianh, cuộc sống đói khổ, quanh năm cắm mặt vào đồng ruộng không đủ mưu sinh, nhưng ngày ngày vẫn bị thực dân Pháp cướp bóc, đàn áp. Cả cụ Cấp và 7 người con đều sớm tham gia cách mạng.

15 tuổi, tướng Đồng Sỹ Nguyên được kết nạp Đảng, sau đó lần lượt tham gia các chiến trường từ Trường Sơn, Quảng Trị, đường 9 Khe Sanh, Nam Lào... Kinh qua rất nhiều chức vụ khác nhau, nhưng ở bất cứ cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

img

Cây cột gỗ với 4 nhát đao chém từ thời thực dân Pháp đi càn ở nhà cụ Đặng Thị Cấp (mẹ của tướng Nguyên) mà không bắt được quân cách mạng

Trong ký ức của mình về người chú đáng kính, ông Đống chia sẻ: “Cuộc đời chú là những trận đánh, là những chuyến đi xa nhà biền biệt. Mỗi lần chú tranh thủ ghé về thăm nhà thì cũng phải bí mật, vội vàng lúc đêm khuya. Chú sống tình cảm và rất thương con cháu.

Tôi nhớ vào những năm 1967, 1968 khi tôi đang học cấp 3 ở thị xã Ba Đồn. Cuộc sống khó khăn, học sinh đi học chỉ có giấy than đen để viết. Mỗi lần tranh thủ ghé về thăm gia đình, chú đều mang những tập giấy trắng từ Lào về tặng các cháu, chúng tôi phấn khởi vô cùng”.

img

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có nhiều đóng góp cho quê hương Quảng Bình ở những công trình giao thông và nâng cao đời sống dân sinh

Nghiêm khắc, gạt tình riêng để con cháu trưởng thành

Đại tá Nguyễn Hữu Thọ - nguyên Chủ nhiệm Chính trị công binh Quân khu 7 (61 tuổi, em trai của ông Đống) kể: “Mỗi lần về chú thường căn dặn: “Học tập là con đường duy nhất để thành công, không ngừng rèn luyện tu dưỡng là cách nhanh nhất để trưởng thành, môi trường để rèn luyện con người tốt nhất là quân đội và công an.

Noi gương và nhớ lời dạy của chú, chúng tôi đều phấn đấu học hết cấp 3 rồi thi vào các trường quân đội hoặc công an. Ngoài hai chú là Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Hữu Anh là Trung tướng và Thiếu tướng thì còn có người em của tôi là Nguyễn Hữu Cường, Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4.

Ngoài ra, còn có 17 người mang hàm cấp tá hoặc là chỉ huy cấp cao trong lực lượng vũ trang; nhiều con cháu, dâu rể đang công tác tại các vị trí quan trọng trong các sở, ngành”.

img

Góc nhà nơi đặt bàn thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn

Ông Thọ chia sẻ, tuy trong nhà có chú Đồng Sỹ Nguyên là cán bộ cấp cao, có uy tín, nhưng các con, cháu đều không có được sự ưu ái nào mà phải tự thân vận động: “Tôi tốt nghiệp ra trường Sỹ quan năm 1984 là có quyết định điều sang chiến trường Campuchia để chiến đấu.

Anh tôi, em trai tôi cũng đều có lệnh ra chiến trường nước ngoài. Lúc đó, mẹ tôi xót con, nhờ chú Nguyên tạo điều kiện cho một đứa ở lại chiến đấu trong nước, nhưng chú nói: Cứ để các cháu đi cho trưởng thành”.

Đối với các cháu ông đã nghiêm khắc, thì với con ruột của mình ông càng tách bạch công tư hơn. Gia đình tướng Nguyên có 4 con trai, 2 con gái nhưng ông không giúp cho bất cứ ai vào ngành. Thậm chí, năm 1979, con trai út của tướng Nguyên là Nguyễn Tiến Quân chuẩn bị đi du học ở Liên Xô, nhưng ông vẫn để con trai tham gia chiến trường biên giới.

Phải hiểu rằng, khi đó, chỉ với một câu nói của mình, ông có thể đưa con lui về phía sau. Không lâu sau đó, chú Quân hi sinh trên chiến trường. Chúng tôi không hề trách mà luôn thán phục và đặc biệt quý trọng.

Chính cách giáo dục khắt khe của chú đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn, có được ngày hôm nay. Cách giáo dục ấy cũng đã được chúng tôi áp dụng thành công với các con, các cháu của mình”.

Vị tướng nặng lòng với quê hương

Dù rất nghiêm khắc với bản thân và gia đình, nhưng với quê hương, làng xóm thì tướng Nguyên luôn rất nặng lòng.

Là người được tiếp xúc nhiều với tướng Đồng Sỹ Nguyên trong các lần ông về thăm quê và những lần đoàn cán bộ tỉnh Quảng Bình đến thăm ông, nguyên Bí thư, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Đinh Hữu Cường vẫn không quên những lời chỉ bảo ân cần, ý kiến đóng góp tâm huyết đối với tỉnh nhà ở thời kỳ đầu tách tỉnh.

img

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn khảo sát hướng tuyến cho tuyến đường Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Ông Cường kể, khi xây dựng đường Hồ Chí Minh, có một số ý kiến của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho rằng, nên tách tuyến đường Hồ Chí Minh ra khỏi vùng Phong Nha - Kẻ Bàng để thuận lợi hơn cho việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Lúc đó, tướng Nguyên nghe và thẳng thắn nói: “Họ góp ý thì ta nên nghe, nếu vi phạm nhiều vào vùng lõi Phong Nha - Kẻ Bàng thì ta cần phải cân nhắc. Nhưng đây là con đường huyết mạch, tính toán kỹ là chỉ đi bên cạnh, vậy nên ta dứt khoát phải làm...”.

“Cả cuộc đời chiến đầu, cống hiến, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn tận tụy, tuyệt đối trung thành, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân luôn ghi nhớ và mãi tự hào về một vị Tư lệnh quả cảm, mưu trí nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi, một con người sống trọn nghĩa vẹn tình”.

Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình

Tháng 4/2000, lễ khởi công đường Hồ Chí Minh đánh dấu thời kỳ tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được tổ chức ngay tại bến phà Xuân Sơn (Bố Trạch), trong đó đoạn đi qua Phong Nha - Kẻ Bàng vừa bảo đảm về mặt kỹ thuật, quân sự vừa tôn trọng môi sinh vùng di sản.

Quyết tâm của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của một vị tướng tài ba bởi đường Hồ Chí Minh đã phá vỡ thế “độc đạo” của QL1, kết nối các tuyến đường ngang tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc cho Quảng Bình.

Rồi sân bay dã chiến Khe Gát (xã Xuân Trạch, Bố Trạch) với đoạn đường dài gần 2km, được làm khá rộng so với các đoạn đường trước đó, cũng là ý kiến của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

“Bởi như lời ông nói, đấy là di tích đường mòn Hồ Chí Minh, làm như vậy vừa tôn lên giá trị lịch sử, vừa là để phòng khi binh biến.

Dù ở cương vị nào, ông đều có những góp ý xác đáng, tâm huyết cho lãnh đạo tỉnh Quảng Bình qua các thời kỳ.

Ông rất quan tâm đến những công trình mang tầm vĩ mô, giúp tỉnh phát triển vững chắc dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có”, ông Cường chia sẻ.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), ông được Đảng, Quân đội giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có gần 10 năm là Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Về sau này, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng như: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế; Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô…

Tháng 3/1982, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT (1982 - 1986).

Năm 1991, sau khi thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng, bảo vệ rừng phòng hộ”; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ông nghỉ công tác từ tháng 10/2006.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.