Riêng đối với khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết hiện nay chưa có thống kê chính thức thiệt hại.
Ứng phó với bão số 3, các đơn vị bảo trì, điều tiết khống chế và thường trực chống va trôi vẫn bố trí người trực, máy móc, trang thiết bị chuẩn bị tốt để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Chưa ghi nhận sự cố tại các vị trí điều tiết khống chế và thường trực chống va trôi.
Tuy nhiên, về tài sản hạ tầng, văn phòng Đại diện cảng vụ đường thủy nội địa Đá Bạc bay một phần mái tôn; nhà trạm Tiên Lãng (Hải Phòng) bay một phần mái tôn.
Riêng âu tàu Nghĩa Hưng (Nam Định), chiều ngày 6/9, tất cả các tàu được giải phóng ở hai đầu âu để tìm nơi tránh trú bão an toàn. Âu tàu tạm ngưng tiếp nhận các phương tiện. Vì vậy, đến chiều nay, dù thời tiết tại âu tàu đang duy trì mưa lớn, gió đang khoảng cấp 6 - cấp 7, nhưng không có phương tiện thủy đỗ chờ ở khu vực hai đầu âu tàu; toàn bộ hệ thống trang bị, thiết bị, nhà điều hành vẫn đang trong tình trạng an toàn.
Nhà trạm quản lý đường thủy Ba Mom (Quảng Ninh), nhà trạm quản lý đường thủy Tiên Lãng (Hải Phòng) bị gió bão giật tốc mái.
Thông tin với Báo Giao thông, ông Trần Minh Thành, Giám đốc Công ty CP Đường sông số 8 cho biết, tại Hải Phòng, do mưa to, gió lớn nên một số phao tiêu báo hiệu đã bị trôi khỏi vị trí. Tại một số nhà trạm bị cây đổ, gió tốc mái… Ngày mai, khi mưa ngớt, đơn vị mới điều nhân viên ra nắm tình hình tại hiện trường, đánh giá cụ thể thiệt hại.
Còn trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia khu vực Quảng Ninh, theo Công ty CP Đường sông số 5, hiện các phao tiêu đã được thu lại, các phương tiện phục vụ kiểm tra, bảo trì đã được neo, chằng buộc. Tuy nhiên, một số nhà trạm bị gió làm tốc mái, tung cửa như Ba Mom, Cẩm Phả…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận