Đường sắt

Bộ GTVT ủng hộ Đồng Nai đầu tư 2 dự án đường sắt

25/12/2021, 18:15

Bộ GTVT ủng hộ Đồng Nai làm chủ trì thực hiện đầu tư các tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành và Biên Hòa-Vũng Tàu nếu các tỉnh thống nhất.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về đề xuất giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, chiều dài 84km và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, chiều dài khoảng 38km, được hoạch định tiến độ đầu tư trước năm 2030.

Các tuyến này cũng đã được Thủ tướng đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025.

img

Bộ GTVT ủng hộ đề xuất Đồng Nai làm cơ quan thẩm quyền chủ trì thực hiện các dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu nếu được các tỉnh thống nhất. Ảnh: Tàu Thống nhất đón khách tại ga Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai)

Theo Bộ GTVT, để tăng khả năng kết nối đồng bộ với sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, giảm áp lực cho giao thông đường bộ, hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực, việc nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt trên là cần thiết.

Tuy nhiên, do các tuyến đường sắt trên đi qua địa phận Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu nên theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với các địa phương để báo cáo Thủ tướng quyết định giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan có thẩm quyền.

“Trường hợp các địa phương thỏa thuận thống nhất giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền chủ trì thực hiện đầu tư 2 tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu, phù hợp với quy hoạch được duyệt.”, Bộ GTVT nêu rõ.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương giao UBND tỉnh này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện 2 dự án: Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu trong danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, mục tiêu sớm đưa vào khai thác đồng bộ với tiến độ của sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành đã được đưa vào Quy hoạch chi tiết đuờng sắt khu vực đầu mối TP.HCM. Theo đó, tuyến có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là sân bay quốc tế Long Thành.

img

Quy hoạch đường sắt khu đầu mối TP.HCM, trong đó thể hiện rõ hướng tuyến các tuyến Thủ Thiêm - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu

Về hướng tuyến sẽ từ ga Thủ Thiêm, đi song song về bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt TP.HCM - Nha Trang; Đến Km9+200 tuyến rẽ phải, đi song song về bên trái đường vành đai 3 và vượt sông Đồng Nai, đi vào dải phân cách bên trái của đường vành đai 3 theo quy hoạch của huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), sau đó rẽ trái và đi vào dải phân cách giữa đường tỉnh lộ 25B, tới Km29+100 rẽ phải tách ra khỏi tỉnh lộ 25B và đi vào hướng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài toàn tuyến khoảng 38km.

Theo đại diện Cục Đường sắt VN, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có ưu thế vận tải hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh và điều kiện ATGT tốt hơn, giá cước rẻ hơn vận tải đường bộ với cự ly vận chuyển trên 50km, do đó sẽ phát huy hiệu quả đầu tư của cụm cảng nước sâu Thị Vải, Cái Mép.

Mặt khác, trên tuyến có thể tổ chức vận chuyển hành khách từ TP.HCM đi các đô thị vệ tinh như Biên Hòa, Long Thành, Phú Mỹ, Bà Rịa và Vũng Tàu bằng các đoàn tàu tốc độ cao và các đoàn tàu ngoại ô, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời góp phần giải quyết giãn dân trong nội thành TP.HCM.

Với hướng tuyến như vậy, tuyến này không chỉ phục vụ hành khách đi lại giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành và ga Thủ Thiêm mà còn phục vụ dân cư khu đô thị Thủ Thiêm đi sân bay hoặc về ga Thủ Thiêm để chuyển tuyến đi vào trung tâm thành phố cũng như đi tiếp các tuyến khác.

Theo tính toán ban đầu, tuyến có tổng mức đầu tư dự kiến 40.500 tỉ đồng, kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Hiện dự án đang trong giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi.

Đối với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, theo Quy hoạch mới, tuyến dài 84km, khổ đường 1.435mm, có điểm đầu từ ga Trảng Bom, điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50.000 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức thức PPP. Trong đó đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn, ưu tiên đầu tư trước đoạn Trảng Bom - Thị Vải, Cái Mép, nhánh nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được hoàn thành nghiên cứu khả thi năm 2019. Tuyến đi song song quốc lộ 51 (cách trung bình từ 0,5 -1 km); Đi qua khu vực cảng Thị Vải - Cái Mép và cảng Bến Đình - Sao Mai. Lộ trình đầu tư đến năm 2030 và sau năm 2030.

“Hiện tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều nhà đầu tư nước ngoài... Cục Đường sắt VN đã cung cấp thông tin, hướng dẫn các nhà đầu tư các thủ tục liên quan theo quy định pháp luật Việt Nam, trên tinh thần luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm, tiếp cận các dự án đầu tư đường sắt.”, đại diện Cục Đường sắt VN nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.