Theo thông tin của Báo Giao thông, quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng sẽ đầu tư tuyến đường sắt mới dọc các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với đường sắt quốc gia.
Cụ thể, đối với mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050 sẽ từng bước đầu tư đường sắt kết nối vùng, liên vùng phù hợp nhu cầu từng giai đoạn, trong đó có đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tuyến đường sắt này sẽ đi qua các tỉnh Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước, dài khoảng 550km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau 2030 bằng nguồn vốn Nhà nước, tư nhân.
Sơ đồ mạng lưới đường sắt tầm nhìn đến năm 2050, trong đó thể hiện tuyến đường sắt kết nối dọc các tỉnh khu vực Tây Nguyên
Về lộ trình đầu tư, theo tư vấn lập quy hoạch, sau năm 2030, khi quá trình đầu tư hạ tầng tuyến đường sắt đã vào giai đoạn hình thành, khai thác, đồng thời tách được tàu khách với tàu hàng trên trục xương sống Bắc - Nam, đường sắt sẽ dần lấy lại vị thế chủ đạo trên hành lang có đường sắt ở các phân khúc cự ly cạnh tranh 300-500 km và cự ly có lợi thế 600-800 km như tàu khách trên hành lang Bắc - Nam.
Khi đường sắt cải thiện được tốc độ khai thác, nhất là khi xuất hiện đường sắt tốcđộ cao trên trục Bắc - Nam, ngoài thu hút thêm hành khách mới, tốc độ tàu hàng trên đường sắt cũ cũng được tăng lên, ưu thế thời gian vận chuyển sẽ phát huy đối với cả hàng hóa container. Đồng thời, đường bộ sẽ chịu áp lực rất lớn và dần tới ngưỡng ùn tắc khi năng lực đạt tới giới hạn do không thể mở rộng lên mãi bởi quỹ đất hạn chế.
“Khi đó, trên các hành lang kết nối ngang từ phía Tây sang Đông khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các tuyến đường sắt không có ưu thế do cự ly ngắn nhưng vẫn có thể tham gia vào mạng lưới theo hướng Bắc - Nam nếu phù hợp một trong hai yêu cầu chức năng: Trực tiếp kết nối chân hàng ra cảng biển lớn; Gom được khối lượng hàng/khách ra tuyến Bắc - Nam.”, tư vấn phân tích.
Tuyến đường sắt dọc Tây Nguyên này sẽ kết nối đường sắt Bắc - Nam tại Đà Nẵng. Tại điểm cuối Bình Phước (Chơn Thành) kết nối tuyến TP.HCM - Dĩ An - Lộc Ninh, từ đó kết nối đường sắt Bắc - Nam, kết nối cảng biển Cái Mép - Thị Vải theo tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và kết nối với cửa khẩu Campuchia.
Vì vậy, quy hoạch mới định hướng đầu tư đường sắt khu vực Tây Nguyên sau 2030, trong đó ưu tiên đoạn Đắk Nông - Chơn Thành.
Tư vấn lập quy hoạch cũng cho biết, theo quy hoạch trước đây có hai tuyến đường sắt kết nối ngang Đông - Tây là tuyến Đắk Nông - Phan Thiết và tuyến Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa. Hai tuyến này cự ly khoảng trên dưới 150km, tuy nhiên địa hình khá khó khăn đối với xây dựng đường sắt.
“Mặt khác, trong kỳ quy hoạch này, đã quy hoạch 4 đường bộ cao tốc theo hướng kết nối ngang song trùng với hướng của 2 tuyến đường sắt này gồm: Phú Yên - Đắk Lắk (Đắk Ruê), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Đà Lạt - Nha Trang, Liên Khương - Buôn Ma Thuột. Dự báo mật độ hàng hóa, hành khách trên cả 2 tuyến không đủ hiệu quả cho đường sắt xây dựng mới. Do đó, đã không đưa 2 tuyến này vào quy hoạch đường sắt mới”, tư vấn lập quy hoạch cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận