Đường bộ

Bộ trưởng GTVT: Tránh tâm lý nóng vội, đảm bảo chất lượng thực hiện 3.000km cao tốc

24/12/2024, 14:13

Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị các địa phương, chủ đầu tư tích cực gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thuộc kế hoạch 3.000km về đích năm 2025 và tránh tâm lý nóng vội để đảm bảo chất lượng.

Phấn đấu hoàn thành 3.000km trước thềm đại hội Đảng

Sáng nay (24/12), Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành 3.000km vào năm 2025.

Bộ trưởng GTVT: Tránh tâm lý nóng vội, đảm bảo chất lượng thực hiện 3.000km cao tốc- Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: Tạ Hải).

Về câu hỏi của Bộ trưởng "Khi nào công tác GPMB dự án Biên Hoà – Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh Đồng Nai hoàn thành?", bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với dự án thành phần 1 do tỉnh làm cơ quan chủ quản, hàng tuần, cơ quan chức năng TP Biên Hoà họp đều đặn với cấp cơ sở có dự án đi qua để tìm giải pháp tháo gỡ.

Với dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, tỷ lệ bàn giao mặt bằng hiện đạt khoảng 95%, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, phần diện tích còn lại đang được nỗ lực thực hiện, phấn đấu bàn giao trong tháng 1/2025.

Tính toán khả năng cung ứng vật liệu đá thi công

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, qua rà soát, kiểm tra, nhu cầu vật liệu đá cần đáp ứng để các dự án cao tốc khu vực Đông Nam Bộ và các hạng mục sân bay Long Thành triển khai rầm rộ đến tháng 9, tháng 10/2025 cần khoảng 12 triệu m3. Chưa kể các dự án khu vực Tây Nam Bộ. Các cơ quan chuyên ngành của Bộ và các địa phương cần có sự đánh giá kỹ về khả năng cung ứng vật liệu phục vụ thi công.

Làm thế nào triển khai khai thác đồng bộ, tránh sự rời rạc cũng là vấn đề cần lưu ý. Cục chuyên ngành cần rà soát, đôn đốc để các dự án khánh thành nhưng phải đảm bảo kết nối liên thông, liên tục, phát huy hiệu quả đầu tư.

Chia sẻ với tỉnh Đồng Nai cùng lúc thực hiện nhiều dự án giao thông lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng nhấn mạnh, nếu dự án Biên Hoà - Vũng Tàu không thể về đích trong năm 2025, việc kết nối với cảng hàng không Long Thành sẽ gặp khó.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai vào cuộc tích cực hơn nữa, xử lý vướng mắc mặt bằng cho dự án trong thời gian sớm nhất.

Đối với dự án Vành đai 3 TP.HCM, ông Lê Ngọc Hùng, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, dự án có 10 gói thầu xây lắp đang thi công. Sản lượng đến nay đạt hơn 26% giá trị hợp đồng.

Theo lộ trình, đến 30/4/2025, các nhà thầu sẽ hoàn thành một số hạng mục tại dự án thành phần 1 của TP.HCM nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đến 31/12/2025 thông xe một phần khoảng hơn 14 km trên địa bàn quận Thủ Đức. Phần còn lại sẽ hoàn thành vào ngày 30/6/2026 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Chưa đồng tình với phương án trên, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị TP.HCM phải nỗ lực trong năm 2025 hoàn thành toàn bộ 47km dự án Vành đai 3 được giao làm cơ quan chủ quản.

"Công tác GPMB đã cơ bản. Bên cạnh sự hỗ trợ vật liệu của các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, TP.HCM cũng cần chủ động hơn nữa trong tìm kiếm nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Nếu có vướng mắc gì, Bộ GTVT sẽ phối hợp tháo gỡ. Bất kể địa phương nào chỉ trong 1 tuần, Bộ sẽ có phản hồi cụ thể", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng GTVT: Tránh tâm lý nóng vội, đảm bảo chất lượng thực hiện 3.000km cao tốc- Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Tạ Hải).

Bộ trưởng đồng thời lưu ý việc thi công đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, khối lượng cát san nền còn không nhiều (0,7 triệu m3), địa phương cần nghiên cứu vật liệu thay thế, hoàn thành 11km phụ trách để cùng với Đồng Nai, TP.HCM hoàn thành đồng bộ toàn tuyến.

Tại cuộc họp, lắng nghe lãnh đạo các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang thông tin tình hình triển khai dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng đề nghị các địa phương chủ động vấn đề cân đối nguồn vốn và rốt ráo hơn nữa, giải quyết dứt điểm các tồn tại về mặt bằng.

"Lợi thế các dự án giao thông khu vực miền núi phía Bắc là ít gặp khó về vật liệu hơn. Địa phương với vai trò phụ trách cần tăng tốc hơn nữa tiến độ GPMB, chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tập kết sớm vật liệu chuẩn bị cho giai đoạn hoàn thiện", Bộ trưởng đề nghị.

Chỉ đạo chung về việc thi công các dự án, Tư lệnh ngành GTVT cũng lưu ý các địa phương, chủ đầu tư chú trọng vấn đề vật liệu. Vật liệu xây dựng lo cát xong phải lo đá. Các đơn vị phải chủ động nguồn lực huy động, bố trí vị trí tập kết để sẵn sàng vật liệu triển khai các hạng mục.

"Mong muốn nhất là không để tỉnh nào có dự án nằm trong kế hoạch hoàn thành 3.000km cao tốc trước thềm Đại hội Đảng không hoàn thành. Cả 3.000km thông từ Bắc đến Nam để bị tắc ở một điểm là không thể.

Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần tránh tâm lý nóng vội. Tiến độ phải đi cùng chất lượng. Công tác kiểm tra, giám sát phải làm đúng, làm chặt, tư vấn giám sát phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, tuyệt đối không được để ra sai sót", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng GTVT: Tránh tâm lý nóng vội, đảm bảo chất lượng thực hiện 3.000km cao tốc- Ảnh 3.

Nhiều dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ rút ngắn tiến độ từ 3 - 6 tháng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025 (Ảnh: Tạ Hải).

Ba nhóm dự án trọng điểm

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, theo kế hoạch dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 1.188km đường bộ cao tốc gồm 28 dự án/dự án thành phần gồm: 16 dự án do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, 12 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản, được chia làm 3 nhóm.

Cụ thể, nhóm 1 gồm 15 dự án/771km cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại nhóm dự án này, công tác GPMB còn vướng tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua hai tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị), dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ (TP Cần Thơ), dự án Bến Lức - Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cần hoàn thành trước tết Nguyên Đán.

Dự án Chí Thạnh - Vân Phong không khai thác đất đắp đáp ứng kế hoạch thi công do mưa nhiều, đất lẫn đá tảng; dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ thủ tục cấp mỏ cát đắp của tỉnh Đồng Tháp còn chậm.

Bộ trưởng GTVT: Tránh tâm lý nóng vội, đảm bảo chất lượng thực hiện 3.000km cao tốc- Ảnh 4.

Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ GTVT (Ảnh: Tạ Hải).

Một số dự án phấn đấu hoàn thành, tuy nhiên chưa kết thúc việc gia tải nên khả năng hoàn thành dịp 30/4/2025 khá khó khăn (Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng).

Nhóm 2 gồm 8 dự án/281km cần phải tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp".

Ở nhóm dự án này, mặt bằng tuyến nối dự án Cần Thơ - Hậu Giang còn vướng 200m bãi rác (thuộc TP Cần Thơ); dự án Hòa Liên - Túy Loan (Đà Nẵng) còn nhiều vị trí chưa tiếp cận được thi công; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Khánh Hòa) còn vướng 3,33km chưa phê duyệt phương án đền bù.

Cát đắp cho dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã đủ nguồn nhưng công suất khai thác hạn chế không đáp ứng tiến độ hoàn thành gia tải trước ngày 31/12/2024.

Nguồn cát đắp cho dự án Vành đai 3 TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu sử dụng nguồn cát thương mại nên bị động trong nguồn cung; Nguồn cung cấp đá cho dự án Hòa Liên - Túy Loan và Tuyên Quang - Hà Giang gặp khó khăn do vượt quá công suất khai thác.

Về tổ chức thi công, các dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và Cao Lãnh - An Hữu có chiều sâu đất yếu lớn, thời gian gia tải kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành.

Nhóm 3 gồm 5 dự án và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 136 km cần sự vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn của các cơ quan liên quan mới có thể về đích đúng tiến độ.

Đối với nhóm dự án này, việc triển khai của tỉnh Đồng Nai (dự án Vành đai 3 TP.HCM và Biên Hòa - Vũng Tàu), Tuyên Quang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang) và Bình Dương (dự án Vành đai 3 TP.HCM) chậm.

"Về vật liệu xây dựng, các dự án thành phần thuộc Vành đai 3 TP.HCM khó khăn do phụ thuộc vào các nguồn khai thác thương mại; Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu tiến độ triển khai thủ tục cấp mỏ của tỉnh Đồng Nai chậm", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

- 15 dự án/dự án thành phần nhóm 1 trong kế hoạch hoàn thành 3.000km cao tốc năm 2025 gồm: 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa; Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; DATP 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Bến Lức - Long Thành (không bao gồm 3km phạm vi cầu Phước Khánh); Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ; DATP 7 thuộc Vành đai 3 TP.HCM.

- 8 dự án/dự án thành phần nhóm 2 gồm: Cần Thơ - Hậu Giang; Hậu Giang - Cà Mau; Hòa Liên - Túy Loan; Dự án thành phần 1 Vành đai 3 TP.HCM; Dự án thành phần 1, 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua Hà Giang; Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

- Gói thầu J3-1 khu vực cầu Phước Khánh cao tốc Bến Lức - Long Thành và 5 dự án/dự án thành phần nhóm 3 gồm: Dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án thành phần 3, 5 Vành đai 3 TP.HCM; Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua Tuyên Quang; Dự án Cao Lãnh - An Hữu.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.