Vì sao căn bệnh “có tiền không tiêu được” vẫn tiếp diễn và làm thế nào để chấm dứt? Báo Giao thông trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương
Riêng tỷ lệ giải ngân vốn giao thông đạt mức cao
Ba tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt 10,35%. Với tiến độ này, chúng ta có nên sốt ruột không, thưa ông?
Tính đến hết 31/3, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt khoảng 73 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là vốn trong nước (hơn 72 nghìn tỷ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm 2022 về tỷ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2022 là 11,8%) nhưng cao hơn về số tuyệt đối, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ (tương đương khoảng 11,6 nghìn tỷ đồng).
Đánh giá trên cơ sở tính chất đặc thù của đầu tư công, kết quả giải ngân 3 tháng đầu năm 2023 cơ bản là tích cực, do tổng mức kế hoạch vốn năm nay cao hơn nhiều các năm trước đây (hơn 711 nghìn tỷ đồng). Số lượng vốn được nền kinh tế hấp thụ theo đó cũng lớn hơn, mặc dù về tỷ lệ thấp hơn khoảng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Ở Trung ương, đáng chú ý tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT đạt cao, khoảng 15,37% trong khi Bộ là đơn vị được giao kế hoạch vốn nhiều nhất khối bộ, ngành Trung ương (hơn 94 nghìn tỷ đồng). Nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhanh, quyết liệt, được kỳ vọng tạo sức lan tỏa lớn cho tăng trưởng kinh tế khi hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Mặc dù vậy, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khi vẫn còn có tới 30 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao, 11 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%. Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tham mưu các giải pháp nhằm cải thiện trong thời gian tới.
Theo ông, vì sao hàng chục đơn vị chưa giải ngân theo kế hoạch được giao, hoặc giải ngân tỷ lệ dưới 1%?
Những con số này phần nào phản ánh xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán. Vừa qua, các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Chính phủ đã làm việc với một số bộ, ngành, địa phương để tìm hiểu các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp cần thiết.
Đối với nhóm chưa và chậm giải ngân, vướng mắc rơi vào một số nguyên nhân như: Dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; dự án quá thời gian bố trí vốn, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, các vướng mắc đặc thù chung dẫn đến việc chậm triển khai các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia...
Một số bộ, cơ quan có những nguyên nhân đặc thù như có nhiều dự án đầu tư ở nhiều địa phương khác nhau, gặp khó khăn trong việc giao đất, điều chỉnh quy hoạch cục bộ… Ví dụ như TAND tối cao có 2 dự án cải tạo trụ sở ở Hà Nội và TP.HCM nhưng là các biệt thự cổ, thuộc đối tượng công trình cần phải thực hiện thêm các thủ tục về bảo tồn, phải xin ý kiến nhiều bộ, cơ quan liên quan.
Vì sao cùng một quy định, tỷ lệ lại khác nhau?
Là đơn vị được giao kế hoạch vốn nhiều nhất khối bộ, ngành Trung ương (hơn 94 nghìn tỷ đồng) song tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT 3 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt mức cao, khoảng 15,37% (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết). Ảnh: Tạ Hải
Chúng ta đã nhận thấy nhiều lý do khiến giải ngân chậm, vậy việc khắc phục những vướng mắc được giải quyết thế nào?
Thực tế vừa qua, công tác hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư công đã được các cấp, các ngành quan tâm, nhiều quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn đã được sửa đổi bổ sung theo hướng phân cấp mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, công tác này vẫn cần tiếp tục được triển khai rà soát toàn diện, tổng thể hơn. Không chỉ là các quy định về đầu tư công, mà còn các quy định liên quan đến đất đai, xây dựng, đấu thầu, ngân sách, khoáng sản là vật liệu xây dựng, đơn giá, định mức…
Bộ KH&ĐT cũng đã tổng hợp chi tiết các vướng mắc về thể chế, pháp luật thuộc từng lĩnh vực, kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành các công điện, chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương rà soát.
Qua đó, đã phát hiện và đề xuất sửa đổi 39 nhóm vấn đề vướng mắc liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.
Cùng chung một mặt bằng pháp lý, tại sao có nơi tỷ lệ giải ngân cao, nơi thấp, thưa ông?
Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ quan dẫn đến giải ngân chậm chủ yếu liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, cùng một mặt bằng pháp luật, nhưng vẫn có nơi giải ngân tốt, có nơi giải ngân vẫn còn chậm, thấp.
Nơi nào các cấp lãnh đạo, người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và công tác tổ chức triển khai thực hiện được làm tốt, chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư tốt thì tỷ lệ giải ngân đạt khá.
Ví dụ như Tiền Giang ngay từ đầu năm, tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều công trình đầu tư trọng điểm, giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay từ tháng 12/2022 và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.
Hay như tỉnh Ninh Bình cũng được ghi nhận có sự chuẩn bị rất tốt với các dự án đầu tư xây dựng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, hoàn thành sớm các khâu chuẩn bị, GPMB cũng như tiến hành thi công.
Nhấn mạnh trách nhiệm giải trình
Tính đến hết 31/3, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt khoảng 73 nghìn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 về tỷ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2022 là 11,8%) Ảnh minh họa: Tạ Hải
Có ý kiến cho rằng, các quy định pháp luật hiện nay còn chưa rõ ràng, cụ thể nên nhiều cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám quyết liệt. Theo ông, cần gắn trách nhiệm cụ thể thế nào để đầu tư công hiệu quả hơn?
Yêu cầu “cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu” đã được Thủ tướng Chính phủ hơn một lần đặt ra trong quá trình chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Lĩnh hội tinh thần này, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo rất cụ thể.
Như TP.HCM quy định, các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% thì người đứng đầu không được xem xét đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân 30% - 50%, người đứng đầu không được xem xét đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có chỉ đạo tương tự… Đây cũng là một trong những động lực thúc đẩy tiến độ, hiệu quả đầu tư công tại nhiều đơn vị.
Luật Đầu tư công cũng đã có các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công.
Tuy nhiên, để nhấn mạnh thêm ý nghĩa của yêu cầu “cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu” trong đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 về thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nghị quyết tiếp tục nhấn mạnh vai trò của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước, từ đất đai, công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công…
Cảm ơn ông!
ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế:
Gỡ vướng từng dự án cụ thể
Nhằm đạt hiệu quả trong công tác giải ngân vốn đầu tư công ở từng địa phương, bộ, ngành, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt thông qua các cuộc họp, bằng những chỉ thị.
Đây là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vẫn đang là bài toán cấn lời giải.Tuy nhiên, theo tôi cần phải làm rõ nguyên nhân ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Ở đây phải tiếp cận từng dự án, từ đó có hướng tháo gỡ cụ thể, bởi từng dự án lại có vướng mắc riêng.
ĐBQH Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế:
Rõ trách nhiệm hơn với người đứng đầu
Thủ tục hành chính giữa các cơ quan Nhà nước liên quan đến giải ngân đầu tư công cần phải được tiếp tục cải cách. Trong một dự án, nếu liên quan đến thẩm quyền của bộ, ngành nào thì cần phải phối hợp nhịp nhàng, tránh “quyền anh, quyền tôi”, như Thủ tướng đã từng nhắc nhở.
Thủ tục hành chính ảnh hưởng rất lớn tiến độ giải ngân. Vì thế, những văn bản đề nghị thẩm định của cơ quan cấp dưới gửi lên cấp trên thì phải minh bạch về thời hạn giải quyết.
Một mặt nữa là phải tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng cái gì cấp dưới làm được thì giao, tránh những việc cấp dưới có năng lực để làm nhưng lại không được giao quyền nên cứ phải đẩy lên.
Về mặt tổng quan, giải ngân đầu tư công nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu của cơ quan đó. Cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để đơn vị mình không hoàn thành kế hoạch được giao.
Phùng Đô (Ghi)
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đâu tư xây dựng (Bộ GTVT):
Giải ngân tốt nhờ xây dựng kế hoạch phù hợp
Năm 2023, các dự án giao thông được Chính phủ giao kế hoạch vốn lên tới hơn 94.000 tỷ đồng. Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) được bố trí hơn 63.000 tỷ đồng (chiếm 67% tổng số vốn Bộ GTVT được giao).
Nhiệm vụ là hết sức nặng nề, song 3 tháng đầu năm, công tác giải ngân tại các dự án vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT vẫn cao hơn tỷ lệ mức trung bình của cả nước.
Dưới góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, tôi cho rằng, “bí quyết” đạt được kết quả trên là Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA yêu cầu nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công và giải ngân chi tiết theo từng tuần, từng tháng, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tiếp theo là phối hợp chuẩn bị tốt công trường phục vụ triển khai dự án (GPMB, vật liệu) để khi dự án khởi công, các nhà thầu có đủ điều kiện triển khai kế hoạch đăng ký, tránh tình trạng kế hoạch xây dựng sản lượng rất lớn nhưng vướng mặt bằng, vướng vật liệu, sản lượng giải ngân không đáp ứng yêu cầu.
Riêng các dự án mới khởi công như dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, trong lúc điều kiện mặt bằng chưa đạt 100%, thủ tục vật liệu chưa được khơi thông, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA đôn đốc nhà thầu tập trung vào các hạng mục công trình không bị ảnh hưởng bởi điều kiện mặt bằng, vật liệu.
Thời gian qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã rốt ráo làm việc trực tiếp, đề nghị các địa phương ưu tiên GPMB trước những vị trí thi công các công trình có giá trị lớn như: Cầu, hầm, đoạn tuyến có khối lượng đào đắp lớn để nhà thầu dồn lực triển khai, lũy tiến sản lượng giải ngân.
Đối với các dự án nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư phê duyệt, thiết kế dự toán, lựa chọn nhà thầu.
Nam Khánh (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận