Các chuyên gia cho rằng, theo Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như Grab đang quyết định giá cước vận tải hoặc trực tiếp điều hành phương tiện nên sẽ phải đăng ký kinh doanh vận tải. Với việc Grab không chấp hành và vẫn hoạt động theo cách cũ, cơ quan chức năng có đủ cơ sở để xử lý vi phạm của Grab.
Cần lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện
Báo Giao thông vừa có loạt bài phản ánh về việc các ứng dụng gọi xe như Grab, Be thu thêm phí nền tảng của khách hàng trái pháp luật. Đặc biệt, dù Grab đang quyết định giá cước, điều hành lái xe (theo quy định tại Nghị định 10/2020 thì đây là đơn vị kinh doanh vận tải) nhưng họ lại phủ nhận điều này.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để xử lý vấn đề Grab quyết định giá cước hay không, Bộ GTVT cần yêu cầu Thanh tra Bộ GTVT vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và Bộ Tài chính thành lập đoàn liên ngành, thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định tại Nghị định 10 đối với các đơn vị kinh doanh vận tải theo loại hình xe hợp đồng điện tử.
“Qua xác minh, nếu đúng các ứng dụng gọi xe vi phạm các quy định thì xử lý. Nếu không cũng công bố để người dân, xã hội biết các đơn vị này đang kinh doanh đúng pháp luật”, ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, việc kiểm tra, xác minh Grab đang quyết định giá cước và công bố một cách chính thức với người dân thuộc trách nhiệm của các Bộ GTVT, Bộ Tài chính.
Sau chu kỳ kinh doanh 1 năm, các cơ quan chuyên ngành của Bộ GTVT, Bộ Tài chính (ở đây là Tổng cục Thuế) cần thanh, kiểm tra quyết toán thuế, xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải và phải chịu hạch toán doanh thu vận tải, thực hiện nộp thuế VAT.
“Grab hoạt động theo phương thức nào đã có hệ thống pháp luật điều chỉnh theo phương thức đó. Khi đó, Grab kinh doanh ngành nghề gì sẽ căn cứ vào các văn bản pháp luật liên quan để xác định trách nhiệm. Nếu Grab không làm đúng sẽ bị xử lý”, ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, cần thấy rõ thực tế rằng, khách hàng đang mua dịch vụ, thương hiệu của Grab chứ không phải lái xe hay đơn vị kinh doanh vận tải. Người quyết định giá cước cũng không phải lái xe, hợp tác xã vận tải mà là Grab.
Đủ cơ sở pháp lý để xử lý
Tiếp tục khẳng định việc Grab quyết định giá cước, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM dẫn chứng: “Grab can thiệp và thực hiện những hoạt động tương tự một doanh nghiệp kinh doanh vận tải như: Tiếp cận nhu cầu của khách hàng, điều động xe, quyết định hành trình xe, quyết định giá cước khi kết thúc hành trình, trực tiếp nhận tiền từ khách hàng. Vì thế, Grab phải đăng ký kinh doanh vận tải”.
Trong khi đó, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, Grab cung cấp giải pháp kết nối nhưng lại tham gia điều hành vận tải và quyết định giá cước nên phải được cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên đến nay Grab chưa đăng ký kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
“Theo quy định của Nghị định 10, đối với xe hợp đồng điện tử, trước khi thực hiện chuyến đi phải truyền dữ liệu hợp đồng về Sở GTVT nhưng điều này chưa được Grab thực hiện. Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp taxi cũng ứng dụng hợp đồng điện tử như Grab nhưng họ vẫn phải chịu điều kiện kinh doanh như taxi.
Trong khi đó, điều kiện kinh doanh của xe taxi chặt chẽ hơn nhiều đối với xe hợp đồng. Đối tượng được phép kinh doanh xe hợp đồng bao gồm cả hộ cá thể nên trốn thuế cũng từ đây mà ra”, ông Minh nói.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Grab vẫn đang hoạt động theo cách cũ, lấy danh nghĩa đối tác để điều hành tài xế, quyết định giá cước thông qua ứng dụng của Grab.
Theo ông Bình, hệ thống máy chủ vẫn là Grab quản lý và điều hành bằng ứng dụng của Grab, bên vận tải không can thiệp vào mức giá, điều hành xe nghĩa là Grab đang điều hành xe, thông tin cho lái xe.
Khi Grab làm những công việc này, lại hoạt động không phải trên địa bàn đăng ký kinh doanh tức là Grab đã vi phạm không đăng ký kinh doanh vận tải.
“Anh không đăng ký kinh doanh vận tải ở địa phương đó nhưng vẫn điều hành phương tiện và lái xe do sở GTVT sở tại cấp phù hiệu cho đơn vị khác. Không những vậy, Grab điều hành xe của đơn vị khác, quyết định giá cước của đơn vị vận tải khác là vi phạm pháp luật.
Grab thông báo giá cước cho hành khách và Grab chấp thuận giá cước này. Thêm nữa, Grab điều chỉnh giá cước và giờ cao điểm, nghĩa là Grab đã quyết định giá cước. Hiện nay đã đủ cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm là Nghị định 10, Thông tư 12, Nghị định 100. Vấn đề là lực lượng TTGT có kiểm tra, xử lý hay không”, ông Bình nói.
Quan điểm bất nhất của Grab
Ngày 13/10, đại diện Grab tiếp tục có phản hồi sau loạt bài mà Báo Giao thông đăng tải. Theo đại diện Grab, Nghị định 10/2020 tạo điều kiện để các ứng dụng như Grab có thể phục vụ người tiêu dùng Việt Nam một cách tốt nhất và góp phần thúc đẩy việc sử dụng các nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả nhất.
Theo đó, dịch vụ ứng dụng gọi xe như GrabCar giờ đây đã có thể được hoạt động tại khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc, thay vì chỉ bó hẹp trong 5 tỉnh thành như trước đây.
“Kể từ khi Nghị định 10 được ban hành đến nay, Grab đã và đang làm việc chặt chẽ cùng Bộ GTVT và các Sở GTVT nhằm đảm bảo tuân thủ một cách nghiêm túc Nghị định 10. Theo đó, Grab đã đạt được giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phù hợp với loại hình hoạt động của công ty.
Grab sẽ luôn tiếp tục phối hợp với các đơn vị vận tải nhằm đảm bảo hoạt động dịch vụ GrabCar, cũng như tất cả đối tác vận tải và tài xế sẽ hoàn toàn tuân thủ các quy định liên quan tại Nghị định 10 và Thông tư 12”, văn bản của Grab nêu.
Rõ ràng với việc thừa nhận Grab đã đạt được giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phù hợp với loại hình hoạt động của công ty, Grab đã thừa nhận mình đang kinh doanh vận tải.
Điều này thể hiện quan điểm bất nhất, bởi trước đó ngày 5/10, phản hồi Báo Giao thông, đại diện đơn vị này cho rằng, Grab không quyết định giá cước vận tải.
Grab hết đường “né” thuế?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại điện Tổng cục Thuế cho biết, phía Grab cũng đưa ra nhiều lý lẽ đấu tranh cho rằng mình là nền tảng công nghệ và đưa ra khoản phí nền tảng có ý “né” thuế. Tuy nhiên, áp theo thông lệ quốc tế, Tổng cục Thuế vẫn xác định đây là hoạt động kinh doanh vận tải.
“Kinh doanh công nghệ có nghĩa là Grab cho thuê toàn bộ công nghệ và đơn vị thuê đó sẽ chịu trách nhiệm vận hành tất cả, còn đây rõ ràng Grab đứng ra vận hành hệ thống, kể cả quá trình kinh doanh, thu tiền như một hoạt động kinh doanh vận tải”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, việc này cũng không sai luật, vì đây là thỏa thuận giữa hai bên (pháp luật Việt Nam cho phép các đơn vị kinh doanh có cả hình thức hợp tác kinh doanh với cá nhân hoặc hình thức sử dụng lao động).
Phía Tổng cục Thuế còn nêu rõ, hiện nay, dù được xác định là đơn vị kinh doanh vận tải, song quan hệ giữa Grab và tài xế lại không phải là hợp đồng lao động mà dưới dạng hợp tác kinh doanh. Điều này khiến cho người lao động chịu thiệt thòi nhiều góc độ khi Tổng cục Thuế phải căn cứ vào thỏa thuận 2 bên để thu thuế.
“Tức là, ngoài khoản thuế thu nhập cá nhân thì người lao động phải gánh thêm khoản thuế giá trị gia tăng cho khoản doanh thu cá nhân mà đáng ra phía Grab phải tính toán”, vị này nói và phân tích, số tiền phần trăm phía Grab thu về bao gồm 1,5% thuế thu nhập cá nhân, 3% thuế giá trị gia tăng của tài xế, số còn lại được tính vào doanh thu của Grab và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp.
Tóm lại, khách trả 10 đồng, Grab chia cho tài xế gần 7 đồng và tài xế phải “gánh” 3% thuế giá trị gia tăng cá nhân cho doanh thu đó (7 đồng), còn Grab dành cho mình 2 đồng và chỉ đóng thuế giá trị gia tăng 10% của 2 đồng đó.
Trong khi đó, nếu Grab là đơn vị kinh doanh vận tải và ký hợp đồng lao động với tài xế thì cách tính thuế sẽ khác và các chế độ được hưởng của người lao động sẽ tăng lên.
Cụ thể, thuế thu nhập cá nhân sẽ phải áp theo thang lũy tiến, có khi phải lên đến 15 - 20% với mức thu nhập trung bình từ trên 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Grab phải đóng thuế giá trị gia tăng 10% cho tổng doanh thu vận tải. Sau đó, sẽ hoạch toán vào cuối năm theo thực nhận và trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh của người lao động.
“Nếu so sánh giữa 2 cách, thì cách đóng thuế hiện tại giúp Grab “né” được rất nhiều thuế phải đóng và cũng “phủi” luôn trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”, vị này nói và cho rằng, nếu người lao động hiểu biết về luật lao động thì có thể yêu cầu Grab ký kết theo kiểu hợp đồng lao động thì quyền lợi của người lao động mới được đảm bảo. Tuy nhiên, cũng có thể do tài xế ngại vướng thủ tục, hoặc phía Grab không trao đổi với người lao động mà tùy ý đưa ra dưới dạng hợp đồng lao động và thỏa thuận.
Vị này cũng cho biết, hiện nay ngành thuế không can thiệp được việc thực hiện hợp đồng giữa tài xế và Grab. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định mới đang trình ký của Tổng cục Thuế đã chú trọng đến những quy định đối với trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân nhằm ràng buộc trách nhiệm của tổ chức phải khai báo toàn bộ tổng doanh thu. Nghị định này cũng nêu rõ, 100% doanh thu phải khai báo để nộp thuế giá trị gia tăng, còn cá nhân chỉ chịu mỗi thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Hơn nữa, Nghị định cũng giải quyết được tranh cãi khi trước đây, tài xế bị xuất hóa đơn giá trị gia tăng 3% cho doanh thu cá nhân ngay khi kết thúc chuyến (tức là khi chưa đến 100 triệu đồng/năm thì tài xế vẫn phải chịu thuế 3%).
Hồng Hạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận