Đảm bảo an toàn luồng tuyến
Vừa trở về đơn vị sau cuộc kiểm tra thực tế luồng tuyến, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Hà Nội Nguyễn Hữu Nhã phấn khởi cho biết, luồng tuyến thông suốt, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện thủy qua lại. Tiếp theo đơn vị sẽ khẩn trương hoàn thành quyết toán công tác bảo trì.
Ông Nhã cho hay, đơn vị ông được giao thí điểm quản lý công tác bảo trì luồng, tuyến. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đảm bảo ATGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ), đơn vị phân công nhiệm vụ đến từng tổ cảng vụ trực thuộc trong công tác phối hợp, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng bảo trì luồng, tuyến và hợp đồng điều tiết - khống chế đảm bảo ATGT khu vực cụm cầu Long Biên - Chương Dương - Bác Cổ của nhà thầu. Cùng đó phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kiểm tra, nghiệm thu hồ sơ quyết toán của nhà thầu theo đúng quy định.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đức Cường, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, Quyết định số 1601/2022 của Bộ GTVT đã thí điểm giao cảng vụ ĐTNĐ khu vực trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam thực hiện chức năng quản lý luồng ĐTNĐ quốc gia. Được Cục ĐTNĐ Việt Nam giao nhiệm vụ theo Quyết định 1601, cảng vụ khu vực II đã chủ động triển khai nhiều biện pháp trong hai năm 2023, 2024, đảm bảo hiệu quả. Trong đó, chú trọng công tác quản lý chất lượng bảo trì thường xuyên luồng tuyến, tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng theo hợp đồng bảo trì, chủ trì, ký biên bản nghiệm thu giai đoạn tháng, giai đoạn quý đúng thời gian.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, triển khai các văn bản đôn đốc, triển khai các công điện, văn bản của Cục ĐTNĐ Việt Nam về triển khai công tác phòng, chống, ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn; theo dõi sát diễn biến của mưa, lũ và triển khai ứng phó khi các tình huống xảy ra; phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia xử lý các phương tiện bị trôi dạt, đắm trên ĐTNĐ, hạn chế ảnh hưởng đến cầu đường bộ, cầu đường sắt.
Trong công tác điều tiết khống chế đảm bảo ATGT, cảng vụ đã thực hiện kiểm tra định kỳ, thường xuyên và nghiệm thu giai đoạn tháng hợp đồng điều tiết khống chế đảm bảo giao thông khu vực cụm cầu Long Biên, Chương Dương, Bác Cổ, sông Hồng năm 2024.
Nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Ông Phạm Roãn Hưng, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Cống Câu cho hay, đơn vị hiện đang quản lý các cảng, bến thủy nội địa trên 6 tuyến sông Thái Bình, Sông Kinh Môn, Sông Lai Vu, Sông Mía, Sông Gùa, Sông Cầu Xe với tổng số 256km thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.
Địa bàn quản lý rộng, vì vậy để công tác ATGT đường thủy đạt hiệu quả, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Công tác kiểm tra điều kiện an toàn đối với cảng, bến thủy nội địa được duy trì thường xuyên. Công tác làm thủ tục cấp giấy phép cho phương tiện vào và rời cảng, bến kịp thời, đúng quy định.
Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được tập trung tại một số khu vực trọng điểm. Mùa mưa bão năm 2024, đặc biệt siêu bão Yagi, đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, không để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện, làm giảm ảnh hưởng bão lũ gây ra.
Còn trong toàn Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II, Giám đốc Lê Đức Cường cho biết, phạm vi quản lý của đơn vị trải rộng tại 15 tỉnh, thành phố phía Bắc. Để công tác đảm bảo ATGT đường thủy hiệu quả, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Đơn vị đã tiếp nhận 930 văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và triển khai thực hiện theo đúng nội dung chỉ đạo, thời gian quy định. Cụ thể, đã ban hành 254 văn bản chỉ đạo, điều hành; 12 chương trình, kế hoạch; 4 quy chế; 6 văn bản khắc phục các hạn chế, tồn tại nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân trong việc thi hành công vụ.
Trong công tác tuyên truyền, đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông ĐTNĐ và các quy định pháp luật khác có liên quan cho các chủ cảng, bến, phương tiện bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, ký cam kết, kết hợp kiểm tra với tuyên truyền trực tiếp, tổ chức hội nghị.
Kết quả, trong toàn Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II đã cấp, phát 1,502 tập văn bản quy phạm pháp luật; 380 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức cho 4,118 lượt chủ phương tiện, chủ cảng, bến ký cam kết thực hiện pháp luật giao thông đường thủy nội địa, đường bộ; ký cam kết chống gian lận thương mại và hàng giả đối với 3,442 chủ cảng, bến, chủ phương tiện.
Đơn vị cũng đã ban hành 21 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT, yêu cầu các phòng, đại diện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, đôn đốc việc kiểm tra, giám sát hoạt động của chủ cảng, bến, phương tiện, các nhà thầu về bảo trì, điều tiết, khống chế, các hoạt động lễ hội, thực hành có liên quan đến đường thủy nội địa.
Phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu các phương tiện neo đậu gần các cầu vượt sông di dời đến vị trí an toàn, không để các phương tiện đâm va vào các công trình vượt sông, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong công tác quản lý phương tiện, thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, cấp phép cho các phương tiện vào, rời các cảng, bến an toàn, thu phí, lệ phí theo đúng quy định, không gây ách tắc, đảm bảo lưu thông hàng hóa; thông báo kịp thời tình hình luồng lạch, thời tiết, khí hậu cho các chủ phương tiện, tàu biển.
Kết quả: kiểm tra, cấp phép vào, rời cảng, bến cho 44.555 lượt phương tiện; 80.346.057 tấn trọng tải thông qua. Trong đó: 355 lượt tàu biển thông qua; 3.345 lượt tàu VR-SB thông qua. Về vận tải hành khách, đã làm thủ tục thông qua 2.714 lượt phương tiện.
"Cảng vụ đã nghiêm túc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực", ông Cường cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận