Hạ tầng

Chủ tịch Phan Văn Mãi lý giải vì sao TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công thấp

18/05/2023, 22:55

Chủ tịch TP.HCM cho biết, giải ngân vốn đầu tư công trong quý 1 thấp là do tập trung giải quyết giải ngân bồi thường, GPMB cho dự án vành đai 3.

Chiều tối 18/5, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì buổi họp báo liên quan đề xuất nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã chuyển biến

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong những tháng đầu năm rất thấp, có đơn vị giải ngân bằng 0%, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, theo báo cáo năm 2023 TP.HCM được phân bổ 70.000 tỉ cho vồn đầu tư công, bao gồm vốn trung ương và địa phương, cao gấp 2 lần so với kế hoạch đầu tư công năm 2022. Đây là thách thức lớn đối với công tác điều hành và thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. Trong 4 tháng đầu năm, thành phố mới giải ngân khoảng hơn 2.500 tỉ đồng.

Tuy vậy, một tín hiệu vui là đến đến hết ngày 12/5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 8.236 tỷ đồng, bằng 20% tổng vốn TP.HCM giao đợt 1. TP.HCM đặt đến hết quý 2 giải ngân đạt 35%, hết quý 3 đạt 58%, hết quý 4 đạt 91%, đến tháng 1/2024 đạt ít nhất 95%.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM giải thích thêm về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công trong quý 1 thấp là do tập trung giải quyết giải ngân bồi thường, GPMB cho dự án vành đai 3. Trong tháng 4 và tháng 5, công tác kiểm đếm, đền bù GPMB của tuyến vành đai 3 đã có những chuyển biến, nhiều quận huyện đã vào cuộc và đã đền bù cho dân. Trong tháng 4 và 10 ngày tháng 5 số giải ngân vượt từ 1.600 tỉ lên 8.200 tỉ đồng.

img

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp báo.

Cần một Nghị quyết đặc thù hơn cho TP.HCM

Ông Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI, và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội đã thực hiện 10 năm. TP.HCM vẫn tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đánh giá kết quả của Nghị quyết số 54/2017/QH14, ông Phan Văn Mãi thẳng thắn thừa nhận còn chậm so với kế hoạch.

Lý giải việc chậm, theo ông Mãi là do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Ngoài ra, nguyên nhân khách quan khác là TP.HCM chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết không thực hiện được.

img

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

Vì vậy, theo ông Mãi, việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.

"Việc xây dựng nghị quyết mới rất cần thiết, thậm chí cấp thiết. Cần chấm dứt tình trạng Sở này chờ Sở kia. Việc đề xuất nghị quyết mới sẽ giúp thành phố tháo gỡ rất lớn những vướng mắc về mặt thể chế, đặc biệt huy động được các nguồn lực ngoài xã hội cho đầu tư phát triển", ông Mãi nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.