Ký ức một thời lênh đênh
Xóm vạn chài thôn Tiền Phong nằm dưới lạch Eo Bù, một nhánh của sông Lam. Nơi đây có 24 hộ dân dùng thuyền làm phương tiện mưu sinh bằng nghề chài lưới, đồng thời cũng là nhà để sinh hoạt.
![Cuộc sống mới của làng vạn chài bên dòng Lam- Ảnh 1. Cuộc sống mới của làng vạn chài bên dòng Lam- Ảnh 1.](https://baogiaothong.mediacdn.vn/603483875699699712/2025/2/6/1-17388451050671864267521.jpg)
Hàng chục năm trời, người dân vạn chài thôn Tiền Phong sống nay đây mai đó trên những con đò xuôi ngược sông Lam.
Lênh đênh trên những con thuyền chật hẹp đủ lâu khiến người dân xóm vạn chài không còn nhớ kiếp sống lênh đênh trên sông từ khi nào. Chỉ biết rằng, các thế hệ người dân nơi đây khi sinh ra đã thấy ông, cha mình có cuộc sống như vậy.
Cuộc đời bao thế hệ người dân làng vạn chài gắn với những con thuyền nhỏ chừng 15m2. Vì gắn với sông nước nên nguồn thu nhập chính của họ phụ thuộc vào nghề giăng lưới bắt cá. Những con cá, mớ tôm sau những giờ lao động cật lực được họ đổi lấy gạo, rau và các vật dụng thiết yếu để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Anh Ngô Đình Hiệp (46 tuổi, thôn Tiền Phong) nhớ lại, nhà anh đông con nên bố mẹ không đủ đất để chia cho các con làm nhà ở. Bởi vậy, hơn 15 năm trước, sau khi lấy vợ, anh gom hết tất cả tiền mừng mua được con thuyền để hai vợ chồng làm nghề chài lưới và sinh sống luôn trên thuyền.
"Gia đình nhỏ của tôi có 5 thành viên nhưng phải sinh hoạt, tắm giặt, nấu nướng… trong chiếc thuyền nhỏ, rất bất tiện. Vì không có điện lưới, ngư dân xóm vạn chài phải dùng bình ắc-quy để thắp sáng, mỗi lần lên bờ nạp ắc-quy dùng trong khoảng 10 ngày.
Để tiết kiệm điện, ngư dân tranh thủ ăn trưa vào 9h sáng, ăn tối vào 16h chiều và buổi tối đi ngủ sớm", anh Hiệp nhớ lại.
Tương tự, các thế hệ của gia đình anh Nguyễn Trường Sinh (40 tuổi, trưởng thôn Tiền Phong) cũng có hàng chục năm lênh trên chiếc thuyền rộng hơn 3m, dài 7m, cao hơn 1m.
Anh Sinh và vợ trước đây là hàng xóm, cũng là dân vạn chài. Thấu hiểu hoàn cảnh của nhau nên hai người nên duyên vợ chồng và có với nhau 5 người con.
Tài sản "ra riêng" của hai vợ chồng là chiếc thuyền cũ trị giá 6 triệu đồng, được anh mua lại từ một người làm nghề hút cát. Chiếc thuyền cũ kỹ là nơi tá túc cho 7 thành viên trong nhà.
Người dân vạn chài Tiền Phong không chỉ đối mặt với khó khăn, vất vả mưu sinh, mà điều lo lắng nhất của họ là việc học hành của con cái. Bao đời nay, người dân ở đây gần như chỉ biết được mặt chữ, các thế hệ sau này đã cố gắng vươn lên nhưng số lượng theo học bậc đại học cũng hạn chế.
Niềm vui vỡ òa
Lên bờ là khát khao của những ngư dân sống lênh đênh trên thuyền từ bao đời nay. Họ hy vọng có được "mảnh đất cắm dùi", thay đổi cuộc sống bấp bênh, mong con cái được học hành đến nơi đến chốn để bớt khó khăn trong tương lai.
![Cuộc sống mới của làng vạn chài bên dòng Lam- Ảnh 2. Cuộc sống mới của làng vạn chài bên dòng Lam- Ảnh 2.](https://baogiaothong.mediacdn.vn/603483875699699712/2025/2/6/2-173884503927720375814.jpg)
24 căn nhà khang trang được xây dựng cho bà con làng chài. Mùa mưa lũ năm nay, họ không phải chật vật chạy lũ như ngày xưa.
Đúng dịp tết Quý Mão năm 2023, ước mơ của các hộ dân đã thành hiện thực khi 24 căn nhà liền kề với diện tích mặt bằng mỗi sàn 56m2/căn được bàn giao, đưa vào sử dụng. Công trình bao gồm tuyến đường dài 350m kèm theo mương thoát nước và hệ thống cấp điện hoàn chỉnh.
Những ngôi nhà được thiết kế để trống tầng 1, dùng làm nơi cất giữ phương tiện, thiết bị, dụng cụ sản xuất; tầng 2 bố trí phòng khách, phòng ngủ, bếp ăn, khu vệ sinh. Công trình được đầu tư xây dựng hoàn toàn bằng kinh phí của các doanh nghiệp tài trợ với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng.
Trong ngôi nhà khang trang của minh, anh Ngô Văn Hiệp (46 tuổi) chia sẻ: Sau 19 năm sống lênh đênh trên sông nước, nay vợ chồng anh đã chính thức có được một ngôi nhà. "Từ khi có nhà mới, cuộc sống ổn định, con cái có chỗ học hành. Đến giờ tôi vẫn ngỡ là mơ", anh Hiệp vui vẻ cho biết.
Yên tâm mưu sinh
Đứng trên tầng 2 nhà của một hộ dân, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi cảm nhận thôn Tiền Phong đang khoác lên mình một diện mạo mới sau những ngày tích cực xây dựng nông thôn mới. Đó là những con đường bê tông, đường nhựa rộng rãi, trụ sở UBND xã, các trường học khang trang, những khu vườn xanh tươi cây trái.
Đang chuẩn bị sửa soạn ngư cụ để đánh bắt tôm cá cho vụ đầu xuân năm mới, anh Đinh Tiến Cường (thôn Tiền Phong) hồ hởi: "Trước đây, do không có đất "cắm dùi" nên gia đình thường lênh đênh cùng nhau trên sông. Nay con cái không phải mạo hiểm theo bố mẹ đeo bám trên những con thuyền chòng chành nữa. Chúng được đến trường đi học, còn chúng tôi yên tâm hơn khi mưu sinh trên sông".
Theo anh Cường, do quen với nghề sông nước, gia đình anh vẫn tiếp tục bám trụ với nghề; một số người khác thì lên bờ đi làm trong các công ty, khu công nghiệp lân cận.
Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh nhớ lại, trước đây cứ mỗi mùa mưa lũ đến, chính quyền địa phương luôn phải lo lắng đến sự an toàn của các hộ dân vạn chài ở thôn Tiền Phong. Vì tất cả các hộ đều sinh sống trên một chiếc thuyền nhỏ, vừa là phương tiện để chài lưới mưu sinh vừa là nơi trú ngụ.
Được chính quyền, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở kết hợp tránh lũ, các hộ dân được an cư trong những ngôi nhà vững chãi, cao ráo, nỗi lo lắng thủơ nào đã không còn nữa.
"Từ khi lên bờ, cuộc sống của bà con đã đổi thay rất nhiều. Nhiều người đã đổi nghề để ổn định cuộc sống. Đặc biệt là các em học sinh đã có đủ điều kiện để học hành, không còn bấp bênh như những ngày làm bạn với sông nước", ông Việt nói.
Cả thôn Tiền Phong có 92 hộ với 267 nhân khẩu. Trong số này, có 24 hộ dân từ nhiều đời lênh đênh trên thuyền. Nhờ sự kêu gọi của tỉnh Hà Tĩnh, các mạnh thường quân đã ủng hộ 9 tỷ đồng để xây dựng 24 căn nhà, quyết tâm đưa bà con xóm vạn chài thôn Tiền Phong lên bờ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận